Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai người đàn ông nằm trong 'tâm bão' biểu tình ở Sri Lanka

Áp lực từ "cơn bão" biểu tình đã khiến cả tổng thống lẫn thủ tướng Sri Lanka phải từ chức cùng lúc.

Khi cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka lên đến đỉnh điểm, 2 người đàn ông ở tâm điểm của những cuộc biểu tình đã hứa rằng họ sẽ lắng nghe lời kêu gọi của hàng chục nghìn người biểu tình và từ chức.

Một người là Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Người còn lại là Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, người được bổ nhiệm để chèo lái đất nước thoát khỏi vực thẳm.

Ngày 9/7, người biểu tình tràn vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo, buộc ông phải tuyên bố từ chức sau một thời gian cố gắng bám trụ.

Vài giờ sau, khi các đảng phái chính trị trong Quốc hội kêu gọi cả 2 nhà lãnh đạo từ chức, người biểu tình cũng xông vào tư dinh của Thủ tướng Wickremesinghe và phóng hỏa.

“Giọt nước tràn ly” ngày 9/7 đã khiến cả Tổng thống và Thủ tướng của Sri Lanka đồng ý từ chức. Tổng thống Rajapaksa cho biết ông sẽ rời nhiệm sở vào ngày 13/7, và ông trốn khỏi đất nước vài tiếng trước thời điểm đó. Thủ tướng Wickremesinghe thì cho biết ông sẽ từ chức ngay sau khi các đảng đối lập đồng thuận vì một chính phủ đoàn kết.

Tong thong va Thu tuong Sri Lanka anh 1

Ngày 9/7, hàng nghìn người biểu tình vượt rào chắn của cảnh sát và xông vào dinh thự của tổng thống Sri Lanka ở thủ đô Colombo nhằm gây sức ép, yêu cầu nhà lãnh đạo từ chức. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa

Trong nhiều thập kỷ, gia tộc Rajapaksa sở hữu nhiều đất đai ở vùng nông thôn phía Nam Sri Lanka. Gia tộc quyền lực này đã thống trị chính trị địa phương từ trước khi ông Mahinda Rajapaksa được bầu làm tổng thống vào năm 2005.

Ông Mahinda đã khơi dậy tình cảm dân tộc chủ nghĩa của người Sinhalese theo đạo Phật và dẫn dắt họ đến chiến thắng vẻ vang trước cuộc nổi dậy của người Tamil vào năm 2009, kết thúc cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài suốt 26 năm.

Tổng thống Mahinda tại vị cho đến năm 2015, sau khi ông thất bại trước phe đối lập do cựu trợ lý của mình lãnh đạo.

Nhưng gia tộc Rajapaksa đã trở lại vào năm 2019.

Ông Gotabaya Rajapaksa, em trai ông Mahinda, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019 với lời hứa khôi phục an ninh đất nước sau vụ đánh bom liều chết khiến 290 người thiệt mạng.

Ông Gotabaya đã thề sẽ làm sống lại chủ nghĩa dân tộc và đưa đất nước thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế để ổn định và phát triển.

Thế nhưng, ông Gotabaya đã mắc một loạt sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại Sri Lanka.

Khi ngành du lịch lao dốc sau các vụ đánh bom và các khoản vay nước ngoài cho các dự án phát triển cần được hoàn trả, ông Gotabaya đã không nghe theo các cố vấn kinh tế mà lại bắt đầu đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử đất nước.

Đợt cắt giảm thuế này nhằm mục đích thúc đẩy chi tiêu, nhưng các nhà phê bình đã cảnh báo rằng nó sẽ làm giảm nguồn thu của chính phủ. Các đợt đóng cửa đất nước do đại dịch Covid-19 và lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học càng làm tổn hại đến nền kinh tế vốn đang mong manh.

Ngân khố của Sri Lanka nhanh chóng cạn kiệt. Hòn đảo không thể trả được những khoản nợ khổng lồ của mình.

Tình trạng thiếu lương thực, khí đốt, nhiên liệu và thuốc men đã thổi bùng sự phẫn nộ của công chúng đối với những nhà lãnh đạo mà họ cho là quản lý yếu kém, tham nhũng và chuyên quyền.

Tong thong va Thu tuong Sri Lanka anh 2

Theo New York Times, khi nhậm chức vào năm 2019, ông Gotabaya Rajapaksa đã sử dụng quyền lực mới có của mình để biến chính phủ Sri Lanka thành một thứ giống như một tổ chức gia đình, bổ nhiệm 3 người anh em vào các chức vụ nội các quan trọng nhất: Ông Mahinda làm thủ tướng, ông Chamal làm Bộ trưởng Quốc phòng và ông Basil làm Bộ trưởng Tài chính. Ảnh: AP.

Thành trì của gia tộc Rajapksa bắt đầu bị công kích vào tháng 4, khi các cuộc biểu tình buộc 3 người thân của Tổng thống Rajapaksa, bao gồm cả bộ trưởng tài chính, từ bỏ các chức vụ trong nội các.

Vào tháng 5, những người ủng hộ chính phủ đã tấn công những người biểu tình trong một làn sóng bạo lực khiến 9 người thiệt mạng. Sự tức giận của người biểu tình chuyển sang nhằm vào Tổng thống Rajapaksa, người bị kêu gọi từ chức và hiện ẩn náu trong một căn cứ hải quân kiên cố.

Trong nhiều tháng, Tổng thống Rajapaksa kiên quyết không từ chức. Ông tìm thấy chiếc “phao cứu sinh” của mình ở Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe

Được Tổng thống Rajapaksa bổ nhiệm hồi tháng 5, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được hy vọng sẽ giúp khôi phục uy tín quốc tế của Sri Lanka khi chính phủ của ông đàm phán gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tong thong va Thu tuong Sri Lanka anh 3

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe trả lời phỏng vấn AP ngày 11/6/2022. Ảnh: AP.

Trong 6 lần làm thủ tướng, nhiệm kỳ gần đây nhất của ông Wickremesinghe được cho là thách thức nhất.

Đồng thời là Bộ trưởng Tài chính của Sri Lanka, ông Wickremesinghe trở thành gương mặt quen thuộc với công chúng xuyên suốt cuộc khủng hoảng. Ông phát biểu hàng tuần tại Quốc hội, đàm phán với các tổ chức tài chính và chủ nợ để lấp đầy kho bạc và xoa dịu một số công dân thiếu kiên nhẫn.

Ông tăng thuế và cam kết trùng tu một chính phủ ngày càng tập trung quyền lực vào tay tổng thống, một mô hình mà nhiều người cho rằng đã đẩy đất nước vào khủng hoảng.

Tong thong va Thu tuong Sri Lanka anh 4

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (phải) và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe (trái) trong lễ tuyên thệ nhậm chức bộ trưởng tài chính của ông Wickremesinghe ngày 25/5/2022. Ảnh: AP.

Với cương vị là một thủ tướng, ông Wickremesinghe cũng không giấu giếm người dân về tương lai mờ mịt của Sri Lanka.

Hồi đầu tháng 6, ông nói với người dân Sri Lanka: “Nền kinh tế của chúng ta đã hoàn toàn sụp đổ”.

Vài tuần sau trước Quốc hội, ông cũng nói rằng Sri Lanka đã chạm đáy.

Suy cho cùng, các nhà quan sát cho rằng ông thiếu cả sức mạnh chính trị và sự ủng hộ của công chúng để hoàn thành công việc. Ông là thành viên duy nhất của đảng mình trong Quốc hội, sau khi đảng này thất bại một cách đau đớn trong cuộc bầu cử năm 2020.

Danh tiếng của ông Wickremesinghe vốn đã bị vấy bẩn bởi nhiệm kỳ thủ tướng trước đây của ông. Khi đó, khi ông Wickremesinghe và Tổng thống Sri Lanka khi đó là Maithripala Sirisena đang tranh giành quyền lực, sự thiếu kết nối giữa 2 nhà lãnh đạo được cho là đã dẫn đến vụ tấn công khủng bố năm 2019.

Giờ đây, không xoa dịu được những hàng dài người xếp hàng chờ mua nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men, Thủ tướng Wickremesinghe ngày càng bị phản đối.

Nhiều người phản đối nói rằng việc bổ nhiệm ông chỉ nhằm giúp Tổng thống Rajapaksa giảm bớt áp lực phải từ chức.

Các nhà phân tích thì cho rằng một nhà lãnh đạo mới cũng không thể làm gì nhiều trong tình thế hiện tại của Sri Lanka, thay vào đó sự bất ổn chính trị sẽ chỉ làm gia tăng cuộc khủng hoảng.

Dinh thự xa hoa của tổng thống và nỗi khốn khổ của người dân Sri Lanka

Mỗi ngày trôi qua, người dân Sri Lanka càng thêm khốn khổ. Đa số họ ăn không đủ no, không có xăng để di chuyển, không đủ thuốc men để chữa bệnh,...

Em trai tổng thống Sri Lanka bị cấm xuất cảnh

Cơ quan xuất nhập cảnh Sri Lanka ngày 12/7 tuyên bố cấm cựu Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa, em trai Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, rời đất nước, theo Reuters.

Lê Ngọc

Theo AP

Bạn có thể quan tâm