Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai năm được người Việt mua lại, thị trấn Buford giờ ra sao?

Sau khi được đổi chủ, Buford khá im hơi lặng tiếng. Phải đến tháng 9/2013, nơi này mới “nóng” trở lại khi ông Phạm Đình Nguyên công bố đổi tên thành PhinDeli.

Phiên đấu giá chấn động

Tháng 4/2012, nhiều tờ báo khá lớn trên thế giới đăng tin mang tính giật gân: doanh nhân người Việt đã chiến thắng trong cuộc đấu giá để "mua đứt" một thị trấn ở Mỹ. Đó là Buford thuộc bang Wyoming, miền trung nước Mỹ. 

Thị trấn gần 150 năm tuổi có diện tích khoảng 4 ha, gồm một trường học, một trạm xăng, một tháp phát sóng thông tin di động, vài căn nhà và một tiệm tạp hóa. Buford có mã số bưu điện độc lập. Trước phiên đấu giá, Don Sammons, 60 tuổi là chủ nhân của thị trấn.

Don Sammons mua Buford trong năm 1980. Ông cùng vợ và con trai chuyển tới sinh sống tại thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ. Ông tự phong cho mình danh hiệu ông chủ kiêm thị trưởng của Buford. Ông đã thành công khi thu hút du khách ghé thăm thị trấn mỗi khi tới tham quan Công viên quốc gia Yellowstone.

Tuy nhiên, sau khi vợ qua đời, con trai rời đi, ông trở thành công dân duy nhất của Buford. Và 2012 là thời điểm ông cho rằng “đã đến lúc bán Buford”. Vì vậy, ông tổ chức phiên đấu giá bán đứt Buford. Mức giá khởi điểm ông đưa ra chỉ là 100.000 USD.

Thị trấn Buford.

Thị trấn Buford.

Phiên đấu giá diễn ra trên website Williams & Williams đã thu hút được khá nhiều người tham gia. Theo tài liệu đấu giá do Williams & Williams cung cấp, lợi nhuận mà thị trấn đem lại cho ông Don Sammons trong năm 2011 là 150.000 USD, chủ yếu đến từ cửa hàng tiện lợi, trạm xăng, tiền thuê trạm điện thoại và tiền đặt các hộp thư bưu điện của chính phủ. Vì vậy có thể thấy, mức giá khởi điểm 100.000 USD là khá hời.

Vì ai cũng muốn sở hữu thị trấn này nên phiên đấu giá diễn ra khá căng thẳng, mức giá liên tục được đẩy lên cao hơn nhiều. Và cuối cùng, doanh nhân Việt Nam Phạm Đình Nguyên đã chiến thắng với mức giá chốt cao gấp 9 lần giá khởi điểm: 900.000 USD.

Ngay lập tức, cái tên Phạm Đình Nguyên và Buford “phủ sóng” khắp các tờ báo, hãng truyền hình lớn nhất thế giới như BBC, CNN, Telegraph. Đây được xem là hiện tượng “xưa nay hiếm”. Ông Phạm Đình Nguyên trở thành doanh nhân được quan tâm nhất tại Việt Nam tại thời điểm đó.

Thị trấn thành doanh nghiệp

Quyết tâm mua Buford nhưng thời gian đầu ông Nguyên… chưa biết làm gì với nó. Ông thẳng thắn chia sẻ: “Thú thật, tôi chỉ xem Buford như là một phần của nước Mỹ, một thị trường lớn và nhiều tiềm năng cho hàng Việt Nam. Buford có thể sẽ là một showroom giới thiệu những sản phẩm, thương hiệu Việt Nam, cùng với những mặt hàng hiện đang bán trong cửa hàng 200m2 này!”.

Sau khi được đổi chủ, Buford khá im hơi lặng tiếng. Phải đến tháng 9/2013, nơi này mới “nóng” trở lại khi ông Phạm Đình Nguyên công bố đổi tên thành PhinDeli. Tất cả các bảng tên đường dẫn vào thị trấn, bảng hiệu đều đổi thành Buford PhinDeli.

Với việc đổi tên thành Buford PhinDeli, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ được kỳ vọng sẽ nơi giới thiệu hàng Việt, đặc biệt là cà phê Việt đến với khách hàng Mỹ. Chữ "Phin" trong PhinDeli là cái phin để pha cà phê, biểu tượng của cách chế cà phê độc đáo chỉ có ở Việt Nam. "Deli" là chữ viết tắt của "Delicious", nghĩa là ngon. Ghép lại có nghĩa là “cà phê phin ngon”.

Ông Nguyên kỳ vọng việc đổi tên thị trấn và ra mắt cà phê PhinDeli sẽ giúp cả nước Mỹ biết đến cà phê Việt Nam. Ông Nguyên có niềm tin vì sau phiên đấu giá, thị trấn này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế. Vì vậy, ông Nguyên khẳng định đây là cách giới thiệu cà phê PhinDeli ra thị trường Mỹ rẻ nhất, hiệu quả nhất.

Tại Buford, thương hiệu PhinDeli ra đời.

Tại Buford, thương hiệu PhinDeli ra đời.

“Đôi khi ngồi nghĩ lại, tôi thấy chuyện xảy ra quá nhanh, như một giấc mơ. Một người Việt như tôi tự nhiên làm chủ một thị trấn Mỹ, dám “đổi tên” thị trấn này, bắt đầu một hành trình giới thiệu cà phê Việt vào thị trường Mỹ. Toàn những chuyện tày đình” – Ông Nguyên chia sẻ trên GDVN.

Dần lấy được niềm tin

Ngay khi đổi tên thị trấn để lăng xê cho cà phê Việt, ông Nguyên đã xác định rõ ràng có thể có người thích người không thích, người ủng hộ người phản đối. Nhưng ông Nguyên tự tin động thái này sẽ tạo sự tò mò. 

“Có thể người Mỹ ghé lại chỉ để coi thằng cha dở hơi người Việt làm ăn ra sao trên thị trấn này. Tất cả các việc đó dù tốt dù xấu đều tạo sự chú ý rất lớn cho thị trấn này. Đấy mới là khởi đầu để tiếp thị hàng Việt”, ông Nguyên chia sẻ với báo giới.

Đúng như ông Nguyên dự báo, việc đổi tên này nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng bên cạnh đó vẫn có sự chỉ trích. Một độc giả nhận xét đây chẳng khác gì “Cái tát vào mặt thị trấn đã tồn tại gần 150 năm của Wyoming. Tôi sẽ không đến đó đâu”. Độc giả có nickname Ponder có phần bảo thủ thậm chí còn cho rằng thay đổi tên là cầm chắc cái chết. 

Doanh nghiệp trong nước cũng hoài nghi với vị doanh nhân đặc biệt này. Ông Nguyên tiết lộ có người không tin ông, cho rằng ông chỉ nói mà không làm được. “Nhiều người cho đến giờ vẫn nói tôi điên. Tôi nghĩ, đôi khi cũng cần phải điên chỉ để chứng minh một điều: không gì không thể”, Ông Nguyên khẳng định.

Tuy nhiên, cái bắt tay giữa PhinDeli và “ông lớn” Kinh Đô đã xóa tin đi mọi nghi ngờ. Trong tháng 7 năm nay, thị trường lại xôn xao khi Kinh Đô công bố mua cổ phần của công ty PhinDeli. Ông Nguyên sẽ là Tổng giám đốc và nhường chức danh Chủ tịch cho người Kinh Đô.

Thương vụ này chỉ liên quan tới công ty PhinDeli và cà phê PhinDeli, chứ không hề liên quan tới Buford PhinDeli. Hiện ông Nguyên vẫn là thị trưởng của thị trấn nhỏ bé – thị trấn đang dần thành một doanh nghiệp.

Những thương vụ M&A đình đám nhất năm 2013 - 2014 ở Việt Nam

Đối với mỗi thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), không nhiều thông tin được công bố rộng rãi ra truyền thông.

http://vtc.vn/hai-nam-duoc-nguoi-viet-mua-lai-thi-tran-buford-gio-ra-sao.1.518644.htm

Theo Bảo Linh/ VTC News

Bạn có thể quan tâm