Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai mũi hóa giải thế bị bao vây năng lượng của Triều Tiên

Bình Nhưỡng đang thúc đẩy các phương án giải quyết nhu cầu năng lượng cấp bách của nước này, từ vận động nới lỏng lệnh cấm vận quốc tế đến phát triển các nguồn năng lượng thay thế.

Dẫn nhiều nguồn thạo tin về đàm phán Mỹ - Triều, Hankyoreh cho biết Bình Nhưỡng đang thúc đẩy Washington nới lỏng một phần cấm vận đổi lấy việc cho thanh sát viên đến cơ sở hạt nhân Yongbyon. Đề xuất được đưa ra trong vòng đối thoại cấp sự vụ đầu tiên trước thềm cuộc gặp hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể đang vận động nới lỏng hoặc gỡ bỏ lệnh cấm vận cho phép tái khởi động khu công nghiệp liên Triều Kaesong và khu du lịch tại núi Kumgang.

Khả năng thứ hai là Bình Nhưỡng muốn tăng mức dầu thô các nước được xuất khẩu sang Triều Tiên. Những hoạt động thương mại này đang chịu giám sát hạn ngạch bởi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

bao vay nang luong Trieu Tien anh 1
Tàu Lighthouse Winmore mang cờ Hong Kong bị Hàn Quốc tạm giữ tháng 12/2017 vì nghi vận chuyển dầu cho Triều Tiên. Ảnh: AFP.

"Mở cửa" Yongbyon đổi lấy nới lỏng dầu thô

Trong cuộc họp đầu tháng 2 với đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun, ông Kim Hyok Chol, đặc phái viên Triều Tiên về các vấn đề với Mỹ, tái khẳng định thiện chí tháo dỡ cơ sở Yongbyon.

Phía Triều Tiên còn "sẵn sàng đề xuất thêm những bước đi hào phóng hơn" nếu Mỹ nới lỏng một phần các lệnh cấm vận.

Benjamin Katzeff Silberstein, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI), cho biết giá xăng dầu tại Triều Tiên đã ổn định trong vài tháng qua nhưng vẫn cao hơn mức bình thường. Ông cho rằng việc Triều Tiên đặt cơ sở Yongbyon lên bàn đàm phán có khả năng mang lại thành công.

"Về mặt chính trị, việc tháo dỡ cơ sở Yongbyon là cơ hội tốt để thu về những bức hình và video giá trị tạo dựng hình ảnh, dù cho động thái này có ý nghĩa thực chất về phi hạt nhân hóa hay không. Triều Tiên cũng có thể hưởng lợi khi Nga và Trung Quốc có thể nghĩ rằng Mỹ không còn kiên quyết trong vấn đề cấm vận như trước", ông bình luận trên trang North Korea Economy Watch.

Silberstein cho rằng lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc về nhập khẩu dầu của Bình Nhưỡng sẽ dễ dàng được nới lỏng hơn phương án khu du lịch Kumgang. Một tín hiệu không chính thức từ Washington cũng đủ để Bắc Kinh diễn giải lại cách hiểu về lệnh cấm vận quốc tế. Các hàng rào xuất khẩu sang Triều Tiên có thể được nới lỏng.

"Hơn nữa, nếu được nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu dầu thô, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ tiết kiệm một lượng tiền tệ cứng đáng kể. Triều Tiên vốn đang tiêu tốn rất nhiều cho các biện pháp vận chuyển đắt đỏ nhằm tránh lệnh trừng phạt", Silberstein đánh giá. 

bao vay nang luong Trieu Tien anh 2
Nhiều báo cáo cho biết giá xăng dầu tại Triều Tiên đã ổn định nhưng vẫn nằm ở mức cao. Ảnh: AFP.

Tìm cách "miễn dịch" với cấm vận

Bình Nhưỡng cũng đang cân nhắc hai nguồn năng lượng thay thế là than đá và thủy triều để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhiên liệu vì các lệnh cấm vận, theo AP.

Công nghệ chế tạo nhiên liệu tổng hợp từ than đá để thay thế dầu mỏ đang được Triều Tiên đẩy mạnh phát triển, tập trung tại nhà máy hóa chất Bắc Sunchon. Sản lượng từ nhà máy này có thể bù đắp gần 10% nhu cầu xăng dầu của đất nước, theo một nghiên cứu của hai chuyên gia David von Hippel và Peter Hayes thuộc Viện Nautilus.

Nhà máy hóa chất được cho là trung tâm phát triển công nghệ "C-1" cho Triều Tiên, sử dụng than đá để chế tạo nhiên liệu tổng hợp, hóa chất công nghiệp và phân bón. Một nguồn tin của Wall Street Journal vào tháng 12/2018 cho hay công nghệ này được Triều Tiên nhập về từ Trung Quốc.

"Dự án này có thể mang lại lợi ích đáng kể cho Triều Tiên. Nó sẽ trở thành nguồn cung cấp nhiên liệu bù đắp cho lượng sản phẩm hóa dầu nước này thiếu hụt do các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an", báo cáo của Viện Nautilus nhấn mạnh.

"Tuy nhiên, dự án khó có thể thay thế hoàn toàn lượng nhiên liệu bị hạn chế nhập khẩu", hai nhà khoa học cảnh báo.

Trong thông điệp đầu năm 2019, nhà lãnh đạo Kim Jong Un kêu gọi đất nước gia tăng sản lượng điện quốc gia. Ông nhấn mạnh ngành công nghiệp khai thác than đá là "mặt trận tiên quyết trong phát triển nền kinh tế tự lực".

bao vay nang luong Trieu Tien anh 3
Triều Tiên có thể phát triển công nghệ khai thác điện từ thủy triều để giải quyết bài toán năng lượng. Ảnh: AP.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên còn đánh giá cao tầm quan trọng về dài hạn của những nguồn năng lượng như điện hạt nhân, điện gió và thủy triều.

Glyn Ford, cựu quan chức Nghị viện Châu Âu, cho biết ông đã có nhiều cuộc thảo luận với quan chức Triều Tiên về tiềm năng sản xuất điện từ thủy triều. Ông cho biết Bình Nhưỡng đã nhiều lần tìm cách mời các chuyên gia trong lĩnh vực đến Triều Tiên.

"Bờ biển phía tây của nước này có tiềm năng lớn cho khai thác điện nhờ vào thủy triều. Hàn Quốc đã có nhiều nghiên cứu chi tiết về vấn đề này. Những tiềm năng tương tự cũng được ghi nhận ở phía bắc Khu Phi quân sự liên Triều", ông cho biết.

Nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới hiện nằm trên bán đảo Triều Tiên, gần thành phố Ansan của Hàn Quốc. Nhà máy được mở cửa vào năm 2011 và có sản lượng điện đủ phục vụ một thành phố với 500.000 dân.

K-pop và giày thể thao - cuộc cách mạng văn hóa của ông Kim Jong Un

Sự xuất hiện của nhà máy sản xuất giày thể thao và vũ công mặc váy ngắn được cho là dấu hiệu thể hiện ông Kim Jong Un đang dần thay đổi tư tưởng để tạo nên cuộc cách mạng văn hóa.

Giải mã ba lớp hàng rào bảo vệ ông Kim Jong Un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên được bảo vệ bởi một mạng lưới nhân sự hùng hậu. Các đặc vụ phải khổ luyện, đòi hỏi năng lực ngang với đơn vị biệt kích chỉ được huy động cho thời chiến.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm