Trong khía cạnh bảo vệ nguyên thủ quốc gia, lực lượng an ninh Triều Tiên không bao giờ chấp nhận yếu tố may rủi. Bình Nhưỡng duy trì một lực lượng đông đảo, được tổ chức kỹ lưỡng đến từng chi tiết, tập trung duy nhất cho việc bảo vệ ông Kim Jong Un.
Theo nhà phân tích Michael Madden, chuyên gia quản lý trang NK Leadership Watch và là học giả tại Viện Mỹ - Triều thuộc Trung tâm Stimson, người quyền lực nhất Triều Tiên có đến ba lớp bảo vệ. Công tác này được đảm trách bởi hai cơ quan là Tổng cục Phụ tá sĩ quan và Bộ tư lệnh Vệ binh.
Đội cận vệ chạy bộ theo xe của ông Kim Jong Un luôn thu hút sự chú ý của ống kính truyền thông quốc tế. Ảnh: Getty. |
Cận vệ đào tạo theo chuẩn biệt kích
Theo ông Madden, những vệ sĩ thường chạy quanh xe limousine của ông Kim Jong Un và theo sát ông "như hình với bóng" thuộc biên chế "Văn phòng Trung ương số 6". Cơ quan này có tên gọi chính thức là Tổng cục Phụ tá sĩ quan (MOA)
Nhóm cận vệ này được sàng lọc từ lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA). Những người được tuyển trước tiên phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Các tiêu chí về thể chất như chiều cao và thị lực được quy định tỉ mỉ. Quân nhân được chọn phải có thành tích đáng kể trong thời gian tại ngũ, hoặc đặc biệt xuất sắc trong những kỹ năng tác chiến như võ thuật, bắn súng.
Thành viên đội cận vệ luôn được kiểm tra lý lịch gắt gao. Họ được xác thực nhân thân ít nhất hai thế hệ trong gia đình. Những phân tích tình báo cho rằng nhiều nhân sự thuộc MOA thậm chí có quan hệ họ hàng với gia tộc của ông Kim Jong Un hoặc gia đình các thành viên cấp cao trong chính quyền.
Một khi được tuyển vào nhóm cận vệ, họ còn phải trải qua chương trình huấn luyện khốc liệt. Những cận vệ được đào tạo theo đúng chuẩn của Lực lượng Biệt kích - nhóm có nhiệm vụ tấn công phủ đầu các cứ điểm trọng yếu ở Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Cận vệ được rèn luyện khả năng sử dụng súng ngắn đạt mức tinh nhuệ, võ thuật và kỹ thuật tác chiến. Họ phải vượt qua nhiều thử thách về sức bền, được giám sát tâm lý và hành vi. Các bài tập thể lực cường độ cao là "chuyện thường ngày".
Trong thời gian ông Kim Jong Un lưu lại khách sạn St. Regis ở Singapore, các chuyên gia ghi nhận Triều Tiên duy trì mô hình ba lớp bảo vệ cho nhà lãnh đạo. Ảnh: Duy Tín. |
"Lá chắn sống" bảo vệ nguyên thủ
Khi ông Kim di chuyển trong không gian mở, cận vệ thường lập đội hình bao quanh ông tạo thành một vòng an toàn. Họ đảm bảo khả năng cảnh giác "360 độ", giám sát những người ở gần ông Kim Jong Un và địa điểm ông đến thăm.
Đội hình được chia làm ba nhóm mỗi khi ông Kim di chuyển bằng ôtô hoặc đi bộ. Nhóm một dẫn đầu, gồm ba đến năm cận vệ trong đó có sĩ quan chỉ huy. Nhóm hai đi cạnh nhà lãnh đạo, gồm bốn đến sáu sĩ quan được chia đều hai cánh. Nhóm bọc hậu gồm bốn đến năm người.
Cận vệ thuộc MOA là những công dân Triều Tiên duy nhất được phép mang vũ khí khi đứng cạnh nhà lãnh đạo. Thường họ được trang bị một súng ngắn bán tự động và một vũ khí dự phòng.
Dù được vũ trang, điểm quan trọng nhất của những cận vệ này là kỹ năng quan sát và đánh giá tình hình của họ. Họ chủ trương vô hiệu hóa mọi mối nguy hiểm bằng tay không, hoặc dùng chính cơ thể của mình như một lá "chắn sống".
Nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il từng yêu cầu đội hình an ninh phải luôn duy trì tỉ lệ cứ hai quan chức cấp cao tháp tùng thì đội tăng thêm một cận vệ. Trong khi đó, đội vệ sĩ của ông Kim Jong Un duy trì số lượng thấp hơn nhưng có khả năng giám sát rộng hơn, tránh tình trạng rối tầm nhìn.
Các vệ sĩ của ông Kim thường mặc vest, đeo cravat theo phong cách phương Tây hoặc sử dụng kiểu áo đại cán. Lái xe của ông Kim cũng thuộc lực lượng này, luôn mang găng tay da hoặc vải lanh. Tất cả đều được trang bị tai nghe vô tuyến.
MOA có khoảng 200-300 nhân sự thường trực. Một nửa quân số là cận vệ của ông Kim. Số nhân sự còn lại bao gồm lái xe và kỹ thuật viên. Cơ quan này chỉ có một số cận vệ phục vụ lâu năm, còn phần lớn có thời hạn làm việc khoảng 10 năm.
Đội cận vệ của ông Kim Jong Un trả qua quá trình khổ luyện cùng chuẩn với lực lượng biệt kích Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Những lớp bảo vệ từ xa
MOA là lớp cuối cùng trong hệ thống bảo vệ ông Kim Jong Un. Mối đe dọa an ninh đối với nhà lãnh đạo thường được loại trừ triệt để ở hai lớp bảo vệ từ xa, được phụ trách bởi Bộ tư lệnh Cận vệ (GC).
Trong khi lực lượng thuộc "Văn phòng Trung ương số 6" trực tiếp bảo vệ ông Kim, nhiệm vụ chủ yếu của GC là đảm bảo an ninh cho địa điểm mà nhà lãnh đạo đến thăm. Các mục tiêu bao gồm tòa nhà và văn phòng làm việc của lãnh đạo, tư dinh của ông, những địa điểm ông đến thăm ở trong và ngoài nước.
Ngoài ra, cơ quan này còn đảm trách hậu cần và kỹ thuật, hỗ trợ công việc của nhà lãnh đạo. Nhân sự của GC cũng trải qua quy trình kiểm tra lý lịch và tuyển chọn gắt gao tương tự vệ sĩ của ông Kim. Nhiều nhân sự là từ "Văn phòng Trung ương số 6" điều chuyển công tác sang bổ sung.
Trên ba máy bay đưa phái đoàn Triều Tiên đến Singapore vào tháng 6/2018, có ít nhất hai chiếc chở nhân sự của GC. Cơ quan này được giao một loạt trách nhiệm hỗ trợ công việc cho ông Kim Jong Un.
Họ điều phối và duy trình bảo mật cho đường dây điện thoại và các thiết bị điện tử khác cho nhà lãnh đạo.Đây cũng là lực lượng kiểm tra thực phẩm, thức ăn hay thuốc lá được nước chủ nhà chuẩn bị cho ông Kim Jong Un. Đội còn có một êkíp bác sĩ và nhân viên y tế điều trị riêng cho nhà lãnh đạo.
Triều Tiên có đến hai cơ quan phụ trách việc bảo vệ ông Kim Jong Un. Ảnh: Reuters. |
Văn phòng số 2 của GC là cơ quan tổ chức hai lớp bảo vệ từ xa cho ông Kim Jong Un trên thực địa.
Vòng bảo vệ đầu tiên được thiết lập với khoảng cách khá gần đội vệ sĩ thân cận MOA. Vòng bảo vệ kế tiếp của GC sẽ là những con đường, hàng rào hoặc công trình cách vị trí làm việc của ông Kim không quá 1 km.
Theo Michael Madden, hiếm có nhà lãnh đạo nào trên thế giới được bảo vệ bởi ba lớp an ninh khi ra nước ngoài.
"Truyền thông có thể tập trung vào hình ảnh những cận vệ chạy bộ cạnh ôtô của ông Kim. Tuy nhiên, những lớp an ninh bổ sung từ xa và không phải lúc nào cũng xuất hiện trước ống kính mới thể hiện đô tinh vi và hiệu quả của hệ thống bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên", ông nói.