Mỹ đã điều động hai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer tuần tra trên Biển Đông vào ngày 29/4, Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương thông báo.
Hai phi cơ B-1B cất cánh từ căn cứ không quân Ellsworth, bang South Dakota, Mỹ bay thẳng đến Biển Đông để tiến hành nhiệm vụ tuần tra, sau đó quay ngược về Mỹ. Chuyến làm nhiệm vụ xuyên Thái Bình Dương kéo dài trong 32 giờ.
Hoạt động này thể hiện mô hình xây dựng Không quân chiến lược Mỹ trở nên năng động hơn, phù hợp với các mục tiêu của chiến lược quốc phòng quốc gia về sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom chiến lược Mỹ, thể hiện cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Máy bay ném bom B-1B tiếp nhiên liệu trên không. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Hoạt động này diễn ra cùng thời điểm Mỹ liên tiếp có hai chiến hạm thuộc Hạm đội 7 áp sát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong các hoạt động tuần hành tự do hàng hải vào các ngày 28-29/4.
Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (CG 52), thuộc lớp Ticonderoga, ngày 29/4 đã "di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Trường Sa" của Việt Nam trên Biển Đông.
Trước đó một ngày (28/4) cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG 52) đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Cả hai tàu USS Bunker Hill và USS Barry trước đó đã hộ tống tàu đổ bộ USS America (LHA 6) tiến gần khu vực có tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD 8) của Trung Quốc, hoạt động ngoài khơi Malaysia.
Tàu USS Bunker Hill cũng tham dự cuộc tập trung trên Biển Đông cùng USS America và HMAS Parramatta của Australia trên Biển Đông hôm 18/4.
Các động thái diễn ra giữa lúc Mỹ liên tiếp cáo buộc Trung Quốc quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí xa bờ của các nước trên Biển Đông, đặc biệt với sự xuất hiện của Hải dương Địa chất 8 ở các vùng biển nhạy cảm.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án các hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh năng lượng khu vực, đồng thời yêu cầu Trung Quốc "chấm dứt kiểu hành xử bắt nạt".
Ngày 23/4, trong cuộc họp với các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan ngại trước "cách hành xử khiêu khích" và "đơn phương" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông lên án Trung Quốc "gia tăng áp lực quân sự và cưỡng ép những láng giềng trong khu vực Biển Đông, thậm chí táo bạo đến mức đâm chìm cả tàu cá Việt Nam".
"Mỹ kịch liệt phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các nước khác cũng yêu cầu họ thừa nhận trách nhiệm", ông Pompeo nhấn mạnh.
Với máy bay chiến lược, chuyến bay tới Biển Đông là đợt làm nhiệm vụ bay thẳng từ lục địa Mỹ đến châu Á thứ 2. Trước đó, vào ngày 22/4, một máy bay ném bom B-1B Lancer đã bay thẳng từ Mỹ đến tập trận cùng với lực lượng phòng vệ đường không Nhật Bản.
Chiếc B-1B đã hội quân cùng 6 tiêm kích F-16 của Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và 15 tiêm kích của Nhật Bản. Nhóm máy bay chiến đấu đã thực hiện đợt tập trận gần thành phố Wonsan, nơi mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được cho là đang điều trị y tế.
Việc triển khai máy bay ném bom bay thẳng từ lục địa Mỹ nhằm phù hợp với chiến lược “không thể đoán trước được” của không quân chiến lược Mỹ. Nhiệm vụ này trước đây được gọi là bảo vệ và ngăn chặn bằng máy bay ném bom (BTF), kể từ năm 2014, như là một chứng minh cho cam kết của Mỹ đối với an ninh tập thể và để tích hợp với các hoạt động của Bộ chỉ huy chiến đấu thống nhất.
Nhiệm vụ đầu tiên diễn ra vào tháng 4/2014, khi máy bay ném bom B-52H Stratofortresses và B-2 Spirits bay thẳng từ lục địa Mỹ đến căn cứ không quân liên hợp Hickam ở Trân Châu Cảng.