Với chương trình phát triển tên lửa chống hạm tầm xa LRASM (Long range anti-ship missile), có vẻ như quân đội Mỹ đang có những thay đổi mang tính chiến lược về phương thức tác chiến trên biển.
Chương trình này do Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển.
Máy bay B-1 phóng tên lửa. |
Hiện tại, tên lửa chống hạm chủ lực của Hải quân Mỹ là Harpoon với tầm bắn tối đa khoảng 280 km (biến thể cải tiến AGM-84F có tầm bắn tối đa khoảng 315 km nhưng không được đưa vào sử dụng). Trong khi đó, những tên lửa LRASM có thể giúp Mỹ tấn công đối phương từ khoảng cách tới 800 km.
Điều gì khiến quân đội Mỹ thay đổi kế hoạch phát triển tên lửa chống hạm của mình sau một thời gian dài hài lòng với tên lửa Harpoon? Lý do đầu tiên là sự hạn chế về tài chính. Hải quân Mỹ buộc phải giảm số lượng hoạt động của các tàu sân bay do thâm hụt ngân sách quá lớn. Điều đó khiến lực lượng Hải quân Mỹ trên khắp thế giới trở nên mỏng hơn.
Lý do thứ 2 và quan trọng nhất, sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Mỹ đang lờ mờ nhận ra đối thủ tiềm năng của họ trong tương lai.
Nên nhớ, quân đội Trung Quốc đang được hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt. Họ liên tục được trang bị các vũ khí hiện đại như tàu chiến, tàu ngầm, tên lửa hành trình và cả tên lửa đạn đạo.
Theo tính toán, trong vòng 15 năm tới, Hải quân Trung Quốc sẽ vượt mặt Hải quân Mỹ về số lượng các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Trong hoàn cảnh đó, Mỹ cần một bước đột phá về chất lượng vũ khí nếu không muốn quanh quẩn chạy theo những thành tựu của Trung Quốc.
Với tên lửa chống hạm tầm xa LRASM, có vẻ như quân đội Mỹ đang có những thay đổi mang tính chiến lược về phương thức tác chiến trên biển. |
Trong các biện pháp đối phó với sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc, chương trình LRASM chiếm một vị trí nổi bật. Tên lửa chống hạm này là một phần của kế hoạch “không-hải chiến”. Tên lửa LRASM có khả năng trang bị rộng rãi cho Không quân, Hải quân và các lực lượng bảo vệ lợi ích quốc gia Mỹ trên toàn thế giới.
Để phục vụ cho phương thức “không - hải chiến”, người ta không chỉ phát triển các vũ khí có tính tương tác cao giữa các lực lượng vũ trang, mà còn phát triển các vũ khí công nghệ với độ chính xác cao. Những loại vũ khí như vậy giảm sự tham gia của binh lính trên chiến trường, thậm chí là không cần đến binh lính.
Điều này cho thấy rằng, Mỹ đang học theo kinh nghiệm của Liên Xô trong những năm Chiến tranh lạnh. Hải quân Liên Xô không có tàu sân bay cho đến tận những năm 1980. Nhưng từ những năm 1950, họ đã bắt đầu tập trung vào việc phát triển các tên lửa chống hạm tầm xa để trung hòa mối đe dọa từ các tàu sân bay Mỹ.
Đầu tiên Liên Xô phát triển tên lửa chống hạm P-35 với tầm bắn 350 km, sau đó là P-500 với tầm bắn 550km rồi đến P-1000 với tầm bắn lên đến 1.000 km. Bên cạnh đó, Liên Xô có máy bay ném bom Tu-22M được trang bị tên lửa chống hạm siêu âm Kh-22 mang theo đầu đạn nặng 1.000 kg chất nổ hoặc đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên đến 400 km. Tên lửa này có thể nhấn chìm bất kỳ tàu chiến nào chỉ với một phát bắn ngay cả đối với tàu sân bay.
Đồ họa quảng cáo của tên lửa LRASM. |
Chương trình LRASM được phát triển trên cơ sở đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158B JASSM-ER bằng cách thay thế động cơ phản lực cánh quạt tiên tiến. Thay đổi này cho phép tăng tầm bắn từ 370 lên 925 km.
JASSM-ER được thiết kế với khả năng tàng hình, độ bộc lộ hồng ngoại thấp. Tên lửa này có độ chính xác cao nhờ vào hệ thống dẫn đường bằng quán tính, GPS và đầu dò hồng ngoại tinh vi.
Tên lửa này có chiều dài 4 mét, nặng khoảng 1 tấn, mang theo đầu đạn nặng 450 kg có khả năng xuyên phá các công sự kiên cố. JASSM-ER bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 2012, cho phép Không quân Mỹ tấn công nhiều mục tiêu khác nhau như các trạm radar, các hệ thống phòng không mà không cần phải tiến vào khu vực nguy hiểm.
Còn tên lửa LRASM có thiết kế khí động học tương tự như JASSN-ER nhưng có khác biệt về hệ thống dẫn đường. LRASM vẫn sử dụng hệ thống dẫn hướng quán tính, GPS nhưng bổ sung hệ thống dẫn đường bằng radar và đầu dò quang điện tử. Trong bộ nhớ của tên lửa là một kho lưu trữ hình ảnh các tàu chiến đối phương từ nhiều góc độ khác nhau giúp tên lửa tấn công mục tiêu một cách chính xác nhất.
Khi đến gần khu vực mục tiêu, tên lửa LRASM hạ thấp độ cao khiến cho quá trình phát hiện và đánh chặn của các hệ thống phòng không trở nên khó khăn hơn. Trước khi LRASM được khai hỏa là kết quả của một quá trình do thám - tấn công phức tạp.
Lắp tên lửa LRASM vào khoang chứa vũ khí của máy bay B-1B. |
Năm 2012, chiếc máy bay T-39 Sabreliner của Lockheed Martin đã hoàn thành quá trình kiểm tra hệ thống kiểm soát của tên lửa. Tháng 6/2013, chương trình thử nghiệm có sự tham gia của máy bay ném bom siêu âm B-1 Lancer nhằm kiểm tra khả năng tích hợp tên lửa này vào máy bay.
Điều đáng ngạc nhiên là hệ thống điện tử trên chiếc B-1 đã đọc dữ liệu trên tên lửa LRASM tương tự như tên lửa JASSM đã được tích hợp trước đó. LRASM đã phóng thành công từ máy bay B-1 Lancer và đánh trúng mục tiêu giả định của nó. Sau đó LRASM cũng đã phóng thành công từ hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 trên tàu chiến Mỹ.
Để tên lửa LRASM có thể tấn công mục tiêu với tầm bắn tối đa cần có các hệ thống dẫn đường bên ngoài nhưng điều này không phải là vấn đề đối với Mỹ. Họ có các vệ tinh gián điệp, các UAV tầm xa. Các máy bay như UAV MQ-4C Triton, máy bay do thám hàng hải P-8 Poseidon, P-3C Orion hoặc máy bay chỉ huy và cảnh báo sớmm E-2D đều có thể dẫn đường cho tên lửa LRASM.
Tháng 3/2013, Lockheed Martin đã ký hợp đồng trị giá 71 triệu USD với DARPA để tiến hành giai đoạn thử nghiệm mới của LRASM. Tên lửa này sẽ được ưu tiên thử nghiệm với máy bay ném bom B-1 Lancer.
Với “sát thủ diệt hạm” LRASM, máy bay B-1 Lancer có thể tung hoành và thống trị các đại dương. |
Trong cuộc chiến Iraq, Kosovo và Afghanistan, “quái vật ném bom” B-1 đã cho thấy tính hiệu quả so với B-52 và cả B-2.
Theo đánh giá, máy bay B-1 Lancer hoàn toàn phù hợp với phương thức “không-hải chiến”. Chiếc máy bay này có thể mang theo tới 34 tấn bom đạn, tầm hoạt động tới 5.544 km, tốc độ tối đa 1.340 km/h.
Khoang chứa bom của nó có thể trang bị các loại tên lửa JASSM, JASSM-ER và mới nhất là tên lửa chống hạm LRASM. B-1 cũng đã được nâng cấp hệ thống điện tử hiện đại hơn. Với “sát thủ diệt hạm” LRASM, máy bay B-1 Lancer có thể tung hoành và thống trị các đại dương.