Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hải quân Nga đưa ‘kho tên lửa ngầm’ thứ 2 vào biên chế

Trong buổi lễ ra mắt tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, con tàu là kho tên lửa chiến lược ngầm mới của hải quân Nga.

Tàu ngầm Alexander Nevsky chính thức gia nhập hải quân Nga ngày hôm qua, 23/12. Nó thuộc biên chế Hạm đội phương Bắc, đóng tại cảng Severomorsk trên biển Trắng. Đây là tàu ngầm hạt nhân chiến lược thứ 2 thuộc lớp Borei. Yury Dolgoruky - tàu ngầm lớp Borei đầu tiên - gia nhập hải quân Nga hồi tháng 1 vừa qua.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei thứ 2 mang tên Alexander Nevsky. Ảnh: RIA Novosti.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết: “Công nghệ của tàu ngầm Alexander Nevsky là nền tảng quan trọng nhằm phát triển bộ ba hạt nhân trên biển của chúng ta”. Cũng theo ông chủ điện Kremlin, hải quân Nga sẽ được trang bị 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei. Con tàu thứ 3 sẽ góp mặt trong biên chế hải quân vào năm 2014.

Các kỹ sư Nga đóng mới tàu ngầm hạt nhân chiến lược Alexander Nevsky đầu năm 2004. Nó chính thức bước vào giai đoạn thử nghiệm trong tháng 10/2011. Con tàu trải qua giai đoạn thử nghiệm tên lửa liên lục địa có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân Bulava từ năm 2012. Tuy là tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Borei thế hệ thứ tư nhưng Alexander Nevsky không khác biệt quá nhiều so với tàu ngầm đầu tiên Yury Dolgoruky.

Tàu ngầm Alexander Nevsky dài 170 m, gần gấp đôi chiều dài một sân bóng đá, có khả năng trang bị 16 tên lửa liên lục địa Bulava, với 10 đầu đạn hạt nhân/quả. Theo đó, con tàu có thể mang tối đa 160 đầu đạn hạt nhân chiến lược, tấn công độc lập 160 mục tiêu riêng biệt. Sau khi góp mặt trong biên chế hải quân Nga, Alexander Nevsky sẽ đảm trách vai trò chính là răn đe hạt nhân.

Tính tới năm 2020, hải quân Nga sẽ được trang bị 8 tàu ngầm lớp Borei và 8 tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm lớp Yasen. Nó nằm trong chương trình tăng cường sức mạnh Hải quân của Liên bang Nga. Cụ thể, đến năm 2020, Nga sẽ tái trang bị toàn diện lực lượng hạt nhân trong biên chế hải quân, đưa nó trở lại nắm giữ vai trò răn đe hạt nhân chiến lược.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm