CNN đưa tin lần đầu tiên sau 16 năm, không quân Mỹ không có máy bay ném bom hạng nặng trên đảo Guam, khi 5 chiếc B-52 Stratofortress rời căn cứ không quân Andesen trên đảo Guam vào ngày 17/4.
Điều đó đã chấm dứt chương trình sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom chiến lược (CBP), một nhiệm vụ từng được Lầu Năm Góc xem là phần chính của sự răn đe đối với các đối thủ và trấn an đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương, CNN nhận định.
Các máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer, B-52 Stratofortress và máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit được triển khai quay vòng trong thời gian 6 tháng tại căn cứ Andesen, đảo Guam. Điều này cho phép không quân chiến lược Mỹ có thể xuất hiện sau vài giờ ở các điểm nóng ở châu Á - Thái Bình Dương như Triều Tiên hay Biển Đông.
Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ nói rằng các máy bay ném bom chiến lược có thể hiệu quả hơn khi bay từ căn cứ của họ ở lục địa Mỹ. Họ vẫn có thể triển khai đến châu Á - Thái Bình Dương khi cần và có thể phản ứng nhanh hơn với các điểm nóng khác ở Vịnh Ba Tư.
Thiếu tá Kate Atanasoff, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ, cho biết động thái này phù hợp với chiến lược phòng thủ quốc gia năm 2018 của Lầu Năm Góc, kêu gọi các lực lượng Mỹ hoạt động theo cách không thể đoán trước được.
Nằm trong tầm tên lửa
“Tính nhất quán và có thể dự đoán trong việc triển khai đến đảo Guam đã làm tăng các lỗ hổng nghiêm trọng trong hoạt động của không quân Mỹ”, Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cao cấp tại Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), nói.
"Một nhà hoạch định quân đội Trung Quốc có thể dễ dàng vạch ra cách phá hủy các máy bay ném bom do sự hiện diện nổi tiếng của chúng", theo vị này.
Bộ 3 máy bay ném bom chiến lược của Mỹ trong một lần xuất hiện cùng lúc ở đảo Guam. Ảnh: USAF. |
Trên thực tế, các tên lửa đạn đạo tầm trung được đánh giá cao như DF-26 của Trung Quốc được các nhà phân tích quân đội gọi là “sát thủ đảo Guam” khi nó được ra mắt vào năm 2015, vì có khả năng tấn công đảo Guam từ lục địa Trung Quốc.
Đến năm 2017, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, mà theo truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết đảo Guam nằm trong mục tiêu của tên lửa.
“Việc rút máy bay ném bom chiến lược khỏi đảo Guam nhằm giảm khả năng trở thành mục tiêu khi đối mặt với mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và Triều Tiên”, Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm tình báo Liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nói.
Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng Mỹ nên trấn an với các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Tokyo, Seoul và một số đối tác khác ở châu Á cần các bằng chứng cho thấy Washington đang nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ quốc phòng và cải thiện sự răn đe, cũng như sự sẵn sàng của lực lượng chiến đấu chủ chốt, sau khi họ chấm dứt CBP”, nhà phân tích Heath nói.
Nhà phân tích Schuster lại đưa ra một lập luận khác, ông cho rằng dù Mỹ đã rút máy bay ném bom chiến lược khỏi đảo Guam, các máy bay này được trang bị tên lửa tầm xa và được hỗ trợ bởi các máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Chúng có thể hoạt động trở lại ở châu Á trong vòng chưa đầy một ngày từ các căn cứ trên lục địa Mỹ.
Đợt trình diễn kỹ thuật "voi đi bộ" của các máy bay ném bom chiến lược trên đảo Guam trước khi rút về Mỹ. Ảnh: CNN. |
Không quân Mỹ đã chứng minh điều này bằng việc điều động máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer bay từ căn cứ không quân ở bang South Dakota đến Nhật Bản, tập trận cùng các chiến đấu cơ của Nhật Bản, sau đó bay trở về Mỹ.
Nhiều hệ lụy
Dù Mỹ nói rằng rút máy bay ném bom chiến lược là để phù hợp với chiến lược quốc phòng mới, nhưng sự vắng mặt của chúng ở châu Á – Thái Bình Dương để lại nhiều hệ lụy không được nhìn thấy theo cách mà Washington muốn.
Nó diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đang yêu cầu các đồng minh trả nhiều tiền hơn cho sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ ở các nước.
Sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore vào năm 2018, Tổng thống Trump đã công khai đặt câu hỏi về chi phí của máy bay ném bom trên đảo Guam khi được sử dụng trong các cuộc tập trận ở Hàn Quốc.
“Các cuộc tập trận rất tốn kém, chúng tôi đã trả phần lớn tiền, chúng tôi bay bằng máy bay ném bom từ đảo Guam. Cần khoảng thời gian dài để những chiếc máy bay lớn bay đến Hàn Quốc, sau đó thả bom và quay trở lại đảo Guam. Tôi biết rất nhiều về những máy bay này, nó rất tốn kém”, Tổng thống Trump nói.
Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer trong cuộc tập trận đầu tiên với Nhật Bản vào ngày 22/4, sau khi rút khỏi đảo Guam. Ảnh: USAF. |
Những bình luận này dường như cho thấy sự khó chịu của Tổng thống Trump đối với những cam kết của Mỹ ở Thái Bình Dương và việc rút máy bay ném bom chiến lược khỏi đảo Guam làm trầm trọng thêm cảm giác đó.
“Sự kết thúc của CBP gửi một thông điệp chiến lược rõ ràng đến các đồng minh ở Thái Bình Dương rằng Mỹ sẽ rời đi từng chút một”, Peter Layton, cựu sĩ quan không quân Australia, nhà phân tích tại Viện Griffith châu Á, nói.
“Việc chấm dứt CBP một cách công khai trong khoảng thời gian này củng cố nhận thức trong khu vực về một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Mỹ đang rút đi”, ông Layton nói.
Từ khi được triển khai lần đầu vào năm 2004, sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom chiến lược ở đảo Guam đem lại sự răn đe hiệu quả. Máy bay ném bom cất cánh từ đảo Guam thường xuyên bay tuần tra trên Biển Đông, bán đảo Triều Tiên như một minh chứng cho quyết tâm của Mỹ trong thời kỳ căng thẳng.
Bộ ba máy bay ném bom chiến lược của Mỹ từng xuất hiện cùng lúc ở đảo Guam, cùng với những màn trình diễn “voi đi bộ” của hàng chục máy bay ném bom. Những hình ảnh như vậy cho thấy sức mạnh của không quân chiến lược Mỹ.
Những màn trình diễn như thế khó có thể được nhìn thấy ở đảo Guam trong tương lai. Một số nhà phân tích cho rằng Lầu Năm Góc vẫn cần tìm cách để nhìn thấy máy bay ném bom chiến lược của Mỹ trên bầu trời Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Các quan chức Mỹ sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực, rằng sự vắng mặt tạm thời và không thể đoán trước về sự hiện diện quân sự của Mỹ thể hiện sự gia tăng cam kết đối với khu vực, chứ không phải là giảm đi”, nhà phân tích Heath nói.
“Đó là một lời nhắc nhở về một sự thật của lịch sử, một ngày nào đó các đế chế cũng sẽ rời đi”, ông Layton nói.