Từ con số khiêm tốn 1,3 tỷ USD hồi năm 2000, mười năm sau kiều hối đã lên gần 9 tỷ vào năm 2011, năm 2012 là 10 tỷ USD thì năm 2013 đã lên đến 11 tỷ USD. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức số kiều hối năm 2014 là bao nhiêu, nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, con số dự báo có thể lên đến 12,1 tỷ USD nếu tính theo mức tăng trưởng “cơ học” 10% một năm và Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong 10 nước nhận được kiều hối nhiều nhất trên thế giới.
Lạc quan với số liệu đáng tin cậy này, nhiều người cho rằng cùng với thặng dư trong cán cân thương mại, vốn FDI, vốn ODA tiếp tục tăng sẽ tạo ra trạng thái cán cân thanh toán tương đối khả quan cho Việt Nam trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân TP HCM , một trong những địa phương tập trung kiều hối nhiều nhất, lượng tiền này được chuyển về thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn thành phố năm 2014 ước đạt 4,5 tỷ USD . Đó là chưa kể ngoại tệ chuyển ngân lậu qua nhiều ngõ ngách và được mang tay về nước.
Hiện nay có 4,5 triệu người Việt đang sinh sống tại trên 100 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra có khoảng nửa triệu công nhân Việt Nam đang làm việc ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… qua chương trình xuất khẩu lao động.
Phần lớn số lượng kiều hối Việt Nam nhận được phát xuất từ Hoa Kỳ, Canada, Pháp và chuyển về cho thân nhân ở thành thị, đặc biệt là tại TP HCM . Một nghiên cứu cho thấy rằng khoảng trên 57% số lượng kiều hối gửi về Việt Nam phát xuất từ Hoa Kỳ.
Thời gian gần đây, phần đông công nhân xuất khẩu lao động xuất thân từ thôn quê, do đó các vùng nhận kiều hối được mở rộng đến các tỉnh nhỏ và khu vực nông thôn nơi tập trung gia đình có công nhân xuất khẩu lao động như Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…
Theo Ngân hàng Thế giới, trong 12 nước có số lượng kiều hối từ 10 tỷ USD trở lên vào năm 2013, Ấn Độ dẫn đầu với 70 tỷ, tiếp theo là Trung Quốc với 60 tỷ, Philippines 25 tỷ. Việt Nam đứng hạng 10 với 11 tỷ USD , tương đương khoảng 7,1% của tổng sản phẩm nội địa, bằng 1/3 số lượng ngoại hối dự trữ của Việt Nam vào năm 2013 (33 tỷ USD ), lớn hơn vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân (10,5 tỷ USD ) và các khoản viện trợ chính thức ODA (4,1 tỷ USD cho năm 2012).
Ai cũng biết kiều hối là một nguồn ngoại tệ quan trọng, một số tiền viện trợ lớn không phải hoàn lại và không phải chịu một chi phí nào, nhưng không nhiều người hình dung được đóng góp của dòng tiền này quan trọng như thế nào.
Vào năm 2011, cán cân vãng lai của Việt Nam từ tình trạng thiếu hụt lần đầu tiên đã trở nên thặng dư với 236 triệu USD và tăng lên đến 2,6 tỷ USD vào năm 2013. Một phần nhờ vào thặng dư về cán cân thương mại 3,3 tỷ USD , nhưng phần lớn là nhờ các tài khoản chuyển nhượng vãng lai lên đến 9,1 tỷ USD . Tất nhiên khoản tiền 11 tỷ USD kiều hối vào thời điểm hai năm trước đây có đóng góp rất quan trọng trong dòng chảy ngoại tệ này.
Kiều hối còn được dùng để thanh toán hàng hóa nhập khẩu và các dịch vụ thương mại, ngoài ra nó còn giúp ổn định tỷ giá tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát.
Có nhiều lý do giải thích sự gia tăng của kiều hối. Trước hết là số người Việt vẫn tiếp tục ra nước ngoài ngày càng nhiều qua chương trình đoàn tụ gia đình và đặc biệt là từ khi chương trình xuất khẩu lao động được triển khai rộng. Số liệu thống kê đáng tin cậy cho thấy vào năm 2000 số công nhân Việt Nam làm việc ở nước ngoài khoảng 30.000 người, đến năm 2013 đã lên đến 500.000 người.
Những nhà hoạch định chính sách kỳ vọng trong thời gian tới số lao động ra nước ngoài sẽ tăng lên khi kể từ năm 2015, với Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) công nhân trong các nước ASEAN có thể tự do đi lại và làm việc ở trong vùng, hứa hẹn tình trạng số kiều hối sẽ tăng lên đáng kể.
Lý do khác là chính sách kiều hối ngày càng cởi mở bao gồm một số biện pháp cần thiết như không hạn chế số lượng tiền, cho phép nhận và trả bằng ngoại tệ, không phải trả thuế thu nhập trên số kiều hối. Thêm vào đó dịch vụ chuyển tiền phát triển rộng rãi, thủ tục chuyển tiền đơn giản và nhanh chóng, thông thường chỉ trong vòng 24 giờ là người ở Việt Nam nhận được tiền kể cả ở vùng quê.
Chi phí chuyển tiền qua công ty thương mại và ngân hàng tiếp tục giảm do cạnh tranh rất cao. Hiện nay lệ phí chuyển 100 USD qua một công ty chuyển tiền ở vùng Virginia (Mỹ) về Việt Nam là 2 USD và nếu chuyển từ 300 USD lệ phí còn thấp hơn.
Một phúc trình của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia qua khảo sát 4.000 hộ nhận kiều hối vào năm 2011 cho thấy 52% lượng kiều hối được đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, tiếp theo là gởi tiết kiệm và tiêu dùng. Theo thống kê của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP HCM , số lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản đã giảm xuống 23% vào năm 2012 và 21% trong năm 2013, trong khi tỷ lệ kiều hối đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh gia tăng.
Nếu thống kê này đáng tin cậy thì đây là chuyện đáng mừng. Thế nhưng cũng có không ít điều phải băn khoăn.
Băn khoăn trước hết là thống kê của các cơ quan chức năng và các định chế quốc tế có thể chính xác, nhưng vẫn chưa cho chúng ta một sự tin cậy rằng liệu có phải toàn bộ kiều hối là những khoản tiền chắt chiu dành dụm của bà con người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về giúp gia đình hoặc đầu tư kinh doanh trong nước hay không?
Thông tin của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy số lao động Việt Nam ở nước ngoài hiện nay là 500.000 người và gởi về nước mỗi năm 1,6 tỷ USD , tính bình quân thì mỗi lao động gởi về cho gia đình 3.200 USD/năm.
Đây là con số khả thi trong tình trạng lao động chúng ta ở nước ngoài phần lớn chấp nhận đi xa là để giúp gia đình chủ yếu là ở nông thôn đời sống vốn khó khăn. Nếu lấy số liệu kiều hối của năm 2013 là 11 tỷ USD thì 4 triệu người Việt Nam còn lại đang sinh sống khắp nơi trên thế giới (sau khi trừ đi số người đi lao động nước ngoài) trung bình mỗi người phải “gánh” trên vai khoảng 2.000 USD kiều hối mỗi năm.
Đây là con số không tưởng trong tình hình đa số người Việt ở các nước không thuộc thành phần giàu có, phải còn vật lộn với cuộc sống khó khăn. Chẳng hạn như ở Mỹ, nơi có đến 1,8 triệu người gốc Việt sinh sống, mà theo một nghiên cứu của Viện quản lý Trung ương thì 57% số kiều hối là từ Mỹ – tính ra vào khoảng 5 tỷ USD.
Nếu tính bình quân thì mỗi người Việt ở Mỹ, bất kể giàu nghèo hay lớn nhỏ, đã đóng góp vào dòng chảy kiều hối về Việt Nam 2.800 USD/năm. Con số này có tin được không khi mà một gia đình người Việt tầng lớp trung lưu ở Mỹ mỗi năm dành dụm được 10.000 USD là điều hoàn toàn không dễ dàng.
Trong một bài viết gần đây, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng là chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc, sau khi đối chiếu các số liệu liên quan đến kiều hối từ nhiều nguồn trong lẫn ngoài nước đã cho rằng có điều gì còn khuất tất trong các số liệu cũng như nguồn gốc kiều hối được công bố. Và ông không loại trừ hoạt động rửa tiền có thể núp bóng kiều hối.
Theo ông Vũ Quang Việt, khi làm ăn bất chính, cách đơn giản để các công ty nước ngoài liên quan đến đầu tư trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu tạo thế đứng và lợi nhuận là tăng chi phí phải trả cho phía nước sở tại, một phần chi phí này được “lại quả” cho quan chức liên quan qua việc thiết lập tài khoản cho họ ở nước ngoài. Những quan chức ấy tất nhiên muốn chuyển tiền về nước và cách đơn giản nhất là dùng hình thức kiều hối.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế một quốc gia phải vận hành như một công ty nghĩa là phải tìm ra lợi nhuận từ đồng vốn để tồn tại chứ không thể dựa vào tiền tài trợ. Do đó chính phủ phải làm sao để bớt dần phụ thuộc vào kiều hối bằng các chính sách quản lý vĩ mô và các biện pháp mạnh dạn làm lực đẩy cho doanh nghiệp, có như vậy mới tạo được sự phát triển bền vững.
Mặt khác, dự trữ ngoại tệ và ngân sách mà lệ thuộc phần lớn vào kiều hối thì chính sách tài chính sẽ bị biến thái. Phát huy có hiệu quả đồng vốn không chịu lãi suất như kiều hối sẽ giúp tạo vận tốc đầu cho nền kinh tế vượt qua khó khăn như hiện nay.