Ở nội dung cử giật, Thạch Kim Tuấn đạt thành tích 130 kg, xếp hạng tư. Đến nội dung cử đẩy, anh đạt thành tích 157 kg, cũng đứng vị trí thứ tư. Chung cuộc, Thạch Kim Tuấn đạt tổng cử 287 kg, giành HCĐ. Anh xếp sau Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên, 302 kg) và Wu Jingbao (Trung Quốc, 302 kg).
Thành tích này kém xa so với chính anh ở giải VĐTG 2014. Ở giải lần trước, Thạch Kim Tuấn đạt tổng cử 296 kg, trong đó cử giật (135 kg) và cử đẩy (161 kg). Anh có thành tích tổng cử ngang bằng với người đoạt HCV là Om Yun Chol nhưng đành ngậm ngùi nhận HCB do nhỉnh hơn 40 gram trọng lượng.
Trong năm 2015, thành tích của Thạch Kim Tuấn không cao như năm 2014. Ảnh: Hoàng Hải Thịnh |
Năm nay, lực sỹ sinh năm 1994 đang gặp chấn thương nên thành tích của anh không tốt. Ban huấn luyện biết rõ điều này nhưng muốn anh thi đấu với mong muốn đạt thành tích tốt rồi sau đó mới sang Singapore chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, quyết định này không mang lại hiệu quả như mong đợi. Cũng ở nội dung 56 kg nam, đô cử Nguyễn Trần Anh Tuấn xếp hạng 15 với tổng cử 255 kg.
Sau đó, Vương Thị Huyền xuất sắc giành thêm 2 HCB và 1 HCĐ hạng cân 48 kg nữ. Huyền giành HCB cử giật (85 kg) và tổng trọng (194 kg), đồng thời giành HCĐ cử đẩy (109 kg). Nguyễn Thị Thúy cũng tham dự nội dung này nhưng do cử giật hỏng cả 3 lần ở mức 83 kg nên cô không có thành tích. Trong nội dung cử đẩy sau đó, Thúy đứng thứ 6 với 108 kg.
Ngoài bốn VĐV này, cử tạ Việt Nam còn có ba đô cử nam tranh tài là Trần Lê Quốc Toàn (62 kg), Nguyễn Hồng Ngọc (77 kg), Hoàng Tấn Tài (85 kg).
Giải cử tạ VĐTG 2015 cũng là vòng loại Olympic 2016. Ở giải năm ngoái, tuyển Việt Nam đã đứng vị trí 21. Nếu cộng điểm cả 2 vòng loại, Việt Nam xếp từ hạng 19 đến 24 thì sẽ nằm trong nhóm các nước được 3 suất đến Brazil dự Olympic. Nhưng với việc Thạch Kim Tuấn không giành HCV, mục tiêu này không dễ thực hiện.