Hoạt động xuất khẩu hai kim loại trên sẽ cần xin giấy phép từ ngày 1/8. Ảnh: Reuters. |
Hôm 3/7, Trung Quốc vừa tuyên bố siết chặt quy định xuất khẩu gallium và germanium - hai kim loại hiếm được sử dụng để chế tạo vật liệu bán dẫn. Cụ thể, quốc gia tỷ dân quy định hoạt động xuất khẩu hai kim loại trên sẽ cần xin giấy phép từ ngày 1/8. Động thái này cho thấy căng thẳng đang leo thang trong cuộc chiến thương mại đối với lĩnh vực công nghệ Mỹ - Trung.
Hai nguyên tố này có màu trắng bạc, sáng bóng và được xếp vào nhóm kim loại hiếm, có giá trị kinh tế cao vì không thể tìm thấy ở tự nhiên. Thay vào đó, chúng được sản xuất với số lượng rất nhỏ, tạo ra dưới dạng phế phẩm trong quá trình tinh chế những vật liệu thô khác như kẽm hay nhôm oxit.
Những vật liệu không thể thiếu trong chất bán dẫn
Thị trường buôn bán gallium và germanium rất hẹp so với những nguồn tài nguyên phổ biến khác như đồng hay dầu. Đơn cử như số lượng kim loại gallium và chất bán dẫn gallium arsenide (GaAs) được Mỹ nhập khẩu vào năm 2022 trị giá khoảng 225 triệu USD. Nhưng tính ứng dụng của nó lại vượt xa kỳ vọng, đồng nghĩa rằng động thái Trung Quốc siết xuất khẩu gallium và germanium sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bán dẫn.
Gallium và Germanium là hai kim loại hiếm. Ảnh: Shutterstock. |
“Ảnh hưởng đến thị trường công nghệ sẽ phụ thuộc vào số lượng còn tồn kho hiện tại. Trong năm tới, tình hình có thể căng thẳng hơn và giá bán cũng theo đó leo thang”, nhà phân tích Roger Entner tại Recon Analytics LLC nhận định.
Theo Bloomberg, hai kim loại hiếm này được ứng dụng rất đa dạng từ quy trình sản xuất vi xử lý, thiết bị viễn thông cho đến vũ khí. Gallium thường được tìm thấy ở các hợp chất bán dẫn, chứa rất nhiều vật liệu giúp cải thiện tốc độ truyền dẫn và hiệu suất thiết bị. Kim loại này cũng xuất hiện ở các thiết bị điện tử gia dụng như TV, màn hình điện thoại, tấm năng lượng Mặt Trời hay radar. Nguyên tố gallium được coi là một trong những vật liệu thô thiết yếu, theo Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, germanium được dùng trong công nghệ cáp quang (fiber optic), thiết bị nhìn xuyên ban đêm (night vision) và công nghệ vũ trụ. Hầu hết vệ tinh hiện nay đều sử dụng năng lượng từ pin mặt trời làm bằng germanium.
Trung Quốc chiếm độc quyền thị trường
Thị trường giao dịch của gallium và germanium rất nhỏ và hẹp nên khó theo dõi. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia gần như độc quyền cung cấp hai kim loại hiếm này, chiếm đến 94% nguồn cung ứng gallium và 83% đối với germanium, theo một nghiên cứu của EU năm 2023.
Mặc dù gallium và germanium có thể thay thế bằng những hợp chất khác, quá trình này sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí và làm giảm hiệu suất hoạt động của công nghệ, công ty cung cấp giải pháp trí tuệ CRU Group cho biết.
Hai kim loại quan trọng trong với ngành bán dẫn sắp bị Trung Quốc hạn chế xuất khẩu. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, quy trình sản xuất gallium và germanium trên thực tế rất đắt đỏ. Bởi Trung Quốc đã chiếm ưu thế từ lâu khi cung ứng với giá rẻ trong suốt thời gian dài. Trước đây, khi quốc gia tỷ dân tăng sản lượng sản xuất, những khu vực khác như Đức hay Kazakhstan đã phải cắt giảm quy mô vì không thể cạnh tranh. Do đó, hiện nay không có nhiều máy móc hay công xưởng khác trên thế giới có khả năng chiết lọc hai kim loại hiếm này.
Song, nhiều chuyên gia dự đoán khi chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc được chính thức áp dụng, nguồn cung ứng từ các quốc gia khác sẽ bắt đầu tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu chất bán dẫn cao.
“Khi Trung Quốc ngừng ép giá, các quốc gia phương Tây mới có thể cạnh tranh. Thời gian đầu giá bán ra có thể cao nhưng sẽ khiến Trung Quốc mất thế độc quyền thị trường. Kịch bản này cũng từng xảy ra với những vật liệu khác như antimon, wolfram hay đất hiếm”, Christopher Ecclestone - nhà chiến lược khai thác tại Hallgarten & Company - nhận định.
Ngoài ra, tái chế cũng là một giải pháp tốt. Rác thải ra tại các nhà máy có thể đáp ứng một vài nguồn cung. Trong khi đó, cửa kính trong xe tăng hoặc các phương tiện quân sự bị bỏ đi cũng có thể tách phần germanium ra để sử dụng lại.
Ngoài Trung Quốc, những quốc gia có thể sản xuất gallium bao gồm Nga, Ukraine nhờ phế thải trong quá trình chế tạo nhôm oxit và germanium nhờ quá trình sản xuất kẽm.
Các nhà sản xuất gallium và germanium khác bao gồm nhà sản xuất vật liệu đặc biệt 5N Plus Inc., Indium Corporation ở Mỹ, Umicore SA ở Bỉ. Một vài dự án khai thác mỏ khác có hàm lượng gallium và germanium cũng có thể trở thành nguồn cung tiềm năng như kế hoạch đào kẽm Kipushi ở Congo sắp sửa thực hiện vào năm 2024.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.