Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai kịch bản cho tăng trưởng cuối năm

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam có dấu hiệu đi xuống, đặt ra bài toán lựa chọn cho Chính phủ: chỉnh mục tiêu hoặc điều chỉnh chính sách gắn với nhiều hệ lụy.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay khó có thể hoàn thành nếu tình hình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế không có gì đột biến.

Trải qua 6 tháng đầu năm không như ý với tốc độ tăng trưởng chỉ 5,5%, Chính phủ cần phải có hai kịch bản để lựa chọn cho mục tiêu tăng trưởng từ giờ đến cuối năm. Một là mở rộng chính sách tiền tệ tài khóa làm bệ đỡ cho tăng trưởng, hai là điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Nửa năm tăng trưởng ì ạch

Năm ngoái, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN nhưng năm nay có thể thấp hơn nhiều nước. Sự suy giảm tăng trưởng này là kết quả của việc sụt giảm quá mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp và khai thác, kéo lùi kỳ vọng tăng trưởng đặt ra trước đó.

tang truong kinh te cuoi nam,  kich ban tang truong kinh te anh 1
Tăng trưởng kinh tế bị kéo giảm do nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều vì thiên tai. Ảnh minh họa: VNN

Theo con số chính thức được công bố về kết quả 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt mức 5,5%. Đây là con số tương đối thấp so với mức 6,2% cùng kỳ năm ngoái.

Dù đa phần các lĩnh vực đều duy trì được mức tăng trưởng tốt nhưng một số lĩnh vực chủ lực đang gặp khó khăn, đã gây nên ảnh hưởng không nhỏ. Cụ thể, mức suy giảm chủ yếu đến từ khu vực sản xuất, mà trong đó hai lĩnh vực nông nghiệp và khai thác là các nhân tố chính kéo giảm đà tăng này.

Nếu trong 3 năm qua, Việt Nam đẩy mạnh khai thác khoáng sản như dầu mỏ để đóng góp vào tăng trưởng, thì năm nay không chỉ là câu chuyện giá xăng dầu giảm mà lượng khai thác trong đầu năm cũng giảm đáng kể.

Trong khi đó, nông nghiệp bị cú sốc lớn về hạn hán, xâm nhập mặn kéo giảm mức tăng trưởng.

Lạm phát đã tăng liên tục trong 3 tháng trở lại đây. Đáng chú ý, lạm phát toàn phần đã cao hơn lạm phát lõi. Điều này cho thấy sự gia tăng mạnh trong chı̉ số giá các nhóm hàng lương thực thực phẩm, năng lượng do Nhà nước quản lý.

Ông Thành nhận định: “Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho toàn nhiệm kỳ trước, các khu vực sản xuất chủ đạo như khai khoáng và nông nghiệp đã phải hi sinh khá nhiều.

Cụ thể là khi giá dầu thô xuống thấp, thay vì khai thác cầm chừng để đón điểm rơi lợi nhuận thì chúng ta lại đẩy manh khai thác để hoàn thành mục tiêu. Như vậy vô tình đè nặng lên mục tiêu tăng trưởng của năm nay cũng như các năm sau.”

Nhiều ý kiến cho rằng, tư duy điều hành tăng trưởng của chúng ta hiệu quả không cao. Khi chúng ta thấy chỉ số tăng trưởng đi xuống thì lại gồng lên, tìm mọi cách để bơm vốn mong đạt con số đã đề ra, chứ không quan tâm đến chất lượng tăng trưởng.

Mặc dù nhận định tiến trình cải cách vừa rồi khá tốt, các chuyên gia kinh tế cho rằng, triển vọng kinh tế từ nay đến cuối năm là “không sáng lắm”.

"Phải thay đổi tư duy kiểu khác và bắt tay vào hành động chứ không chỉ dừng ở tuyên bố", các chuyên gia chia sẻ nhận định.

Lựa chọn kịch bản nào?

Cuối năm ngoái, Chính phủ và Quốc hội đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng là 6,7%  và cố gắng xoay trở để đạt được mục tiêu này. Nhưng nhìn vào 2 quý đầu năm nay, mức tăng trưởng chỉ xoay quanh 5% thì rất khó để về đích như mong đợi. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đưa ra con số dự báo cụ thể cho cả năm tối đa cũng nằm ở mức 6,2%.

Để về đích đúng kế hoạch, về phía chính sách của nhà nước chỉ còn cách tác động tổng cầu mở rộng chính sách tài khóa tiền tệ, mở rộng tín dụng tăng thu ngân sách.

Cụ thể thúc đẩy tiêu dùng bằng mọi cách; có thể thay vì tiêu dùng cuối cùng sẽ đẩy mạnh tiêu dùng chính phủ, thay vì đầu tư tư nhân sẽ là đầu tư công. Nhưng lựa chọn phương án này sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ trong dài hạn như vấn đề thâm hụt ngân sách.

Một tổ chức quốc tế dự báo, nếu phương án mở rộng chính sách tài khóa được triển khai thì mức độ thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 6,6%.

Lựa chọn tiếp theo để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đã đặt ra chính là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Về phía NHNN, định hướng tăng trưởng tín dụng năm ngoái là 20% và mục tiêu đạt được trong năm nay cũng tương tự. Tuy vậy, 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng đang là 6,8%, nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm thì 6 tháng cuối năm phải bung tiền rất nhiều.

Một cách nữa là dựa vào công cụ đảo nợ, nhập lãi, nhập gốc của các ngân hàng làm cho dư nợ tín dụng tăng lên để đảm bảo mục tiêu này.

Tuy nhiên, đây sẽ là một con số không thực chất, gây nên bất ổn cho hệ thống.

Vì vậy, cũng tương tự như tăng trưởng vĩ mô thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng cần phải điều chỉnh xuống thấp hơn, thậm chí là ở mức 13% cho phù hợp và đảm bảo an toàn.

Nếu muốn hoàn thành mục tiêu bằng mọi giá thì ngoài những biện pháp, chính sách trên vẫn còn một công cụ khác để hỗ trợ chính là đòn bẩy tỷ giá. Tuy nhiên, ý kiến từ NHNN nếu phá giá đồng tiền cũng không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu,  vì vậy cần phải giữ giá tiền đòng ổn định.

Năm nay ngân hàng nhà nước có chỉ tiêu điều chỉnh tỷ giá ở mức 4%, tuy nhiên hiện tại chưa có sức ép lớn nên vẫn chưa sử dụng công cụ này. Như vậy từ giờ đến cuối năm có thể sử dụng 1-2 lần điều chỉnh khi sức ép tỷ giá thực sự gia tăng.

Tuy nhiên, chủ trương chống đôla hóa của NHNN cũng là một lý do hạn chế việc xây dựng tăng trưởng kinh tế trên đòn bẩy tỷ giá. Dù sức ép tỷ giá lớn sau Brexit chúng ta cũng không can thiệp nhiều vào giá của đồng tiền Việt Nam. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng nếu không dùng chính sách tài khóa thì nên sử dụng đòn bẩy tỷ giá để đảm bảo tăng trưởng.

“Nhìn vào câu chuyện điều chỉnh thực trạng đôla hóa phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế vĩ mô. Khi kinh tế vĩ mô được ổn định thì tỷ lệ đôla hóa tất yếu sẽ giảm xuống chứ không hẳn là phụ thuộc vào mệnh lệnh hành chính.Thay vì siết chặt cho vay ngoại tệ thì nên cam kết ổn định kinh tế vĩ mô”,  ông Thành bày tỏ.

Vị này còn cho biết, câu chuyện tăng tưởng kinh tế đi xuống thì chúng ta nên chấp nhận điều chỉnh lại mục tiêu (khoảng 6,2%), thay vì tăng cường tác động bằng chính sách để đạt bằng được kế hoạch 6,7%.

Hai kịch bản cho tăng trưởng cuối năm chính là chấp nhận thực tế để điều chỉnh giảm mục tiêu hay là điều chỉnh chính sách tài khóa để theo đuổi bằng được kế hoạch. 


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm