Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ lo Brexit ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế

Giữa lúc mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% ngày càng xa vời, Chính phủ lo Brexit sẽ ảnh hưởng xấu tới kinh tế vĩ mô, thị trường vàng, chứng khoán, và tỷ giá hối đoái trong nước.

Các bộ ngành lo ngại sự kiện Anh rời EU sẽ ảnh hưởng xấu tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ảnh: N.Trinh

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 30/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã ban hành 49/50 Nghị định tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Còn 1 nghị định nữa sẽ được tiếp tục thảo luận trong ngày mai (1/7).

“Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong điều hành tài chính, ngân sách. Vừa qua chúng ta đưa ra một số chủ trương về đầu tư kinh doanh, nhưng cần xem liệu chúng đã thực sự đi vào cuộc sống chưa, bộ máy của chúng ta đã thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) chưa? Đã thực sự thực hiện chủ trương mới để có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người dân chưa?”, Thủ tướng phát biểu.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,52%, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kì năm ngoái. Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân có thể do hạn hán, ngập mặn làm tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm mạnh, ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xem xét việc Anh rời EU tác động thế nào tới nền kinh tế nước ta, đặc biệt ở các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, vốn đầu tư…

Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm trong điều hành, quản lý nhà nước.

“Nếu chúng ta làm tốt chắc chắn sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt. Chúng ta phải làm tốt hơn để xứng đáng với niềm tin của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường ngoại tệ ổn định, thu hút vốn FDI tăng.

“Phát triển DN có bước chuyển biến mạnh mẽ nhờ tác động của việc thực thi Luật DN, Luật Đầu tư (sửa đổi) và các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đáng chú ý, phát triển của khu vực dịch vụ, tăng trưởng ngành xây dựng đạt tốc độ 8,8% - mức cao nhất trong 6 năm qua, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã được cải thiện đạt 10,1% - cao hơn cùng kỳ năm trước. TP HCM tăng trưởng đạt khá, với 7,47%, dự kiến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 8%.

 Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, sự kiện Brexit đã gây ảnh hưởng tới giá ngoại tệ, vàng, thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Sau Brexit, tỷ giá ngoại tệ, vàng có biến động, nhưng hiện đã ổn định trở lại”, ông Dũng nói thêm.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng, thế giới sẽ chịu tác động rất lớn từ Brexit vì EU là đối tác kinh tế lớn với nhiều nước khác. Với Việt Nam, EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 sau Trung Quốc.

“Nếu kinh tế Anh, EU khó khăn trong nhiều năm thì sẽ tác động tới Việt Nam. Tỷ giá các đồng tiền sẽ gây rủi ro tài chính, khó khăn cho việc trả nợ. Hơn nữa, các thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và EU nhiều thứ phải đàm phán lại”, đại diện Bộ Ngoại giao phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, từ giờ tới cuối năm lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn mức Quốc hội đề ra, tăng trưởng GDP chững lại gây ảnh hưởng tới bội chi, nợ công…,

Song người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, không trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Bộ trưởng đưa ra 9 nhóm giải pháp lớn, trong đó có việc đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi công vụ, điều hành tỷ giá linh hoạt, theo dõi tác động của Brexit đến việc trả nợ công của Việt Nam, để kịp thời có các giải pháp ứng phó; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, khởi nghiệp, xử lý nghiêm trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, cửa quyền…

Với đề xuất khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô để bù đắp tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải cân nhắc.

“Giá xuất khẩu cà phê, cao su, hạt tiêu của ta đang sụt giảm. Cần đẩy mạnh sản xuất để tăng trưởng thực chất và hiệu quả, thay vì tăng khai thác dầu thô. Chúng ta nên đẩy mạnh các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như xây dựng, dịch vụ, du lịch thì vẫn có khả năng đạt được mục tiêu đặt ra”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

‘Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% ngày càng xa vời’

Tăng trưởng GDP năm 2016 nhiều khả năng chỉ đạt 6,3% là nội dung các báo cáo của HSC và BIDV vừa mới được công bố.



Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm