Khách sạn Capri by Frasers và Ibis Saigon South nằm bên cạnh nhau ở quận 7, TP.HCM. Ảnh: BK. |
Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) vừa cho biết đã tư vấn thành công một danh mục đầu tư gồm ba khách sạn ở Đông Nam Á, đây cũng là thương vụ khách sạn đầu tiên trong khu vực được bán năm nay.
Theo đó, doanh nghiệp phát triển bất động sản Everland Opportunities IX Limited của Hongkong đã chi 106,1 triệu USD để mua lại ba khách sạn thuộc sở hữu của Strategic Hospitality Holdings Limited (SHH) - công ty con của Tập đoàn Thái Lan Strategic Hospitality Extendable Freehold and Leasehold Real Estate Investment Trust (SHREIT).
Danh sách này bao gồm khách sạn 3 sao Ibis Saigon South, khách sạn 4 sao Capri by Frasers cùng tọa lạc ở quận 7 (TP.HCM, Việt Nam) và khách sạn 5 sao Pullman Jakarta Central Park ở phía Tây thủ đô Jakarta của Indonesia.
Trong đó, Pullman Jakarta Central Park và ibis Saigon South được bán cùng với quyền quản lý của Accor đối với thương hiệu Pullman và ibis. Riêng Capri by Fraser được bán với quyền sở hữu bỏ trống.
"Việc bán danh mục đầu tư khách sạn độc đáo này không chỉ nhấn mạnh sự hồi sinh của hoạt động giao dịch ở Đông Nam Á mà còn củng cố sự phục hồi liên tục của dòng tiền từ các khách sạn trong khu vực", ông Julien Naouri, Phó chủ tịch Cấp cao, Kinh doanh & Đầu tư khu vực châu Á Thái Bình Dương của JLL Hotels & Hospitality Group đánh giá.
Hồi đầu năm 2020, công ty LT Rubicon ở Anh từng gửi lời đề nghị mua lại 3 khách sạn nói trên với mức giá 118 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu tại đại hội cổ đông bất thường của SHREIT tổ chức giữa tháng 6 không tán thành thương vụ chuyển nhượng nói trên.
Đến tháng 10/2020, công ty con mà SHREIT lại một lần nữa rao bán ba khách sạn trên với giá gần 133 triệu USD. Trong đó, khách sạn Ibis Saigon South có quy mô 140 phòng, được định giá 14,7 triệu USD. Khách sạn Capri by Frasers có quy mô 175 phòng, được định giá 23,7 triệu USD. Còn khách sạn Pullman ở Jakarta được định giá 94,3 triệu USD.
Thời điểm ấy, ban lãnh đạo SHREIT cho biết các khách sạn đang đầu tư đều thua lỗ và phải tiếp tục gánh nhiều chi phí, khoản nợ. Những khách sạn này đều đang hoạt động với công suất hạn chế và khó có khả năng huy động thêm trong ngắn hạn.
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng lên doanh thu, tình hình tài chính, dòng tiền của tập đoàn và tình hình này có thể tiếp tục. Công ty cũng đang vi phạm nhiều điều khoản trong các hợp đồng và có đối diện rủi ro bị kiện tụng từ phía đối tác, bao gồm một số bên cho vay.
SHREIT nhận định phần còn lại của năm 2020 với doanh nghiệp sẽ tiếp tục cực kỳ thách thức khi chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng. 6 tháng đầu năm, SHREIT có doanh thu 1,9 triệu USD nhưng thua lỗ 2,2 triệu USD.
Đây là những lý do khiến HĐQT muốn bán lại các khách sạn ở Việt Nam và Indonesia dù đối tác hạ giá chào mua.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.