Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai đất nước nơi kẻ tiêm không hết, chỗ người lần chẳng ra

Cảnh người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại Kenya đặt bên cạnh phòng tiêm chủng trống vắng ở Mỹ đã làm nổi bật lên tình trạng “kẻ tiêm không hết, người lần chẳng ra” trên thế giới.

Mỗi sáng, vài trăm người lại xếp hàng từ trước khi Mặt Trời ló dạng bên ngoài bệnh viện lớn nhất của thủ đô Nairobi, Kenya với hy vọng được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Đôi lúc, từng người trong hàng có thể lần lượt vào tiêm. Nhưng cũng có những ngày toàn bộ phải ra về sau khi nhân viên bệnh viện nói không có vaccine để tiêm.

Nửa vòng quanh Trái Đất, tại một nhà thờ ở thành phố Atlanta, Mỹ, hai nhân viên vừa nghe nhạc vừa ngồi trên số lượng lớn vaccine để chờ người dân tới tiêm. Nhưng sau 6 tiếng trong ngày 8/9, chỉ một người xuất hiện.

tiem chung ngua Covid-19 anh 1

Người dân Kenya xếp hàng chờ tiêm vaccine AstraZeneca tại Kimana vào ngày 28/8. Ảnh: AP.

Sự tương phản rõ rệt giữa hai khung cảnh đã làm nổi bật lên thực trạng chênh lệch vaccine khắp thế giới. Ở những nước giàu có, người dân thường có thể bước tới một cơ sở tiêm chủng gần nhà và lựa chọn trong nhiều loại vaccine khác nhau. Cả quá trình ấy thường chỉ mất vài phút.

Những cơ sở lưu động như tại Atlanta sẽ mang vaccine tới các khu vực nông thôn và đô thị, nhưng những cơ sở này thường có rất ít người tới tiêm.

Trong khi đó, nguồn cung vaccine tại các quốc gia đang phát triển rất hạn chế và bất định. Chưa đầy 3% người dân châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ. Người dân và cả quan chức y tế thường không biết trước ngày mai sẽ có loại vaccine gì.

Xếp hàng 3 tiếng nhưng không được tiêm

Những tuần gần đây, châu Phi đã nhận được nhiều vaccine hơn, nhưng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 9/9 cho biết lượng vaccine châu lục này nhận được cho đến cuối năm nay sẽ giảm 25% so với dự kiến. Nguyên nhân một phần là việc các nước giàu có như Mỹ triển khai tiêm nhắc lại.

Bidian Okoth nhớ lại việc mình phải xếp hàng 3 tiếng ở một bệnh viện tại Nairobi nhưng cũng không được tiêm vì không có đủ vaccine. Nhưng một người bạn của anh sau khi đến Mỹ đã gần như lập tức được tiêm chủng bằng loại vaccine do mình chọn “như chọn kẹo”, Okoth nói.

“Chúng tôi phải đánh vật với việc cần dậy vào mấy giờ sáng để được tiêm mũi đầu tiên. Thế mà tôi được nghe người khác có thể lựa chọn vaccine. Thật quá đáng”, Okoth kể lại.

tiem chung ngua Covid-19 anh 2

Một phụ nữ Kenya được tiêm chủng vaccine AstraZeneca tại thủ đô Nairobi vào ngày 26/8. Ảnh: AP.

Okoth, một nhà hoạt động trong lĩnh vực y tế, nói mình bắt đầu muốn được tiêm từ sau khi chú mình chết vì Covid-19 vào tháng 6. Tuy nằm trong nhóm đủ điều kiện do tuổi tác, chú của Okoth hai lần trắng tay về nhà vì dòng người xếp hàng quá dài.

Okoth cho biết mình thường xuyên ghé qua một bệnh viện trên đường đến chỗ làm với hy vọng được tiêm ngừa Covid-19. Anh tới đây nhiều lần đến mức bác sĩ “chán không buồn nhìn mặt” và phải dặn khi nào có vaccine sẽ gọi.

Cuối tháng 8, Okoth cuối cùng cũng được tiêm sau khi lô vaccine do Anh tặng đã tới.

Lúc này, Mỹ đang dần tiến tới triển khai mũi tiêm tăng cường cho nhiều nhóm dân số, ngay cả khi công tác thuyết phục người dân tiêm mũi đầu đã gặp nhiều khó khăn.

Trong lúc Mỹ đối mặt với biến chủng Delta, ông Biden ngày 9/9 ra lệnh ở cấp độ liên bang nhằm yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với con số lên tới 100 triệu người Mỹ, bao gồm cả người lao động trong khu vực tư nhân.

Khoảng 53% dân số Mỹ đã được tiêm đầy đủ, trong khi trung bình mỗi ngày có hơn 150.000 ca mắc mới cùng 1.500 ca tử vong.

Tương tự, châu Phi có hơn 7,9 triệu ca dương tính, bao gồm hơn 200.000 ca tử vong. Biến chủng Delta cũng đã làm tăng số ca mắc mới trong những ngày gần đây.

tiem chung ngua Covid-19 anh 3

Cody Luke ngồi chờ sau khi tiêm mũi đầu vào ngày 30/7 tại một điểm tiêm chủng ở Georgia. Luke nằm trong số 11 người được tiêm vào ngày hôm ấy. Ảnh: AP.

Tedros Ghebreyesus, giám đốc WHO, ngày 8/9 khẩn khoản kêu gọi các quốc gia giàu với lượng vaccine tích trữ lớn nên ngưng tiêm tăng cường cho tới hết cuối năm nay và tặng vaccine cho các nước nghèo.

John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, ngày 9/9 trả lời phóng viên cho biết “chưa có đủ căn cứ khoa học” để quyết định khi nào tiêm mũi tăng cường.

“Nếu không có căn cứ khoa học, chúng ta chỉ đang đánh bạc”, ông Nkengasong nói. Ông cũng thúc giục chuyển vaccine tới những quốc gia đang đối diện “nạn đói vaccine”.

Vaccine rất sẵn nhưng ít người tiêm

Tại Mỹ, vaccine rất sẵn nhưng nhiều người lại do dự tiêm vaccine.

Ở nhà thờ tại khu vực tây bắc của thành phố Atlanta, tổ chức phi lợi nhuận CORE triển khai tiêm chủng bằng vaccine Johnson & Johnson và Pfizer. Người dân có thể tới tiêm miễn phí mà không cần hẹn trước từ 10h30 tới 16h30.

Dù đã thông báo với người dân trong khu vực, Riley Erickson, người phụ trách cơ sở tiêm chủng ở Atlanta, vẫn dành phần lớn thời gian trong ngày ngồi chờ trong căn phòng điều hòa với những hàng ghế trống.

tiem chung ngua Covid-19 anh 4

Hai nhân viên ngồi chờ người tới tiêm tại địa điểm tiêm chủng lưu động ở bang Georgia vào ngày 8/7. Ảnh: AP.

Erickson cho biết tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực này còn thấp nên anh không ngạc nhiên khi có ít người tới tiêm. Người duy nhất xuất hiện là một sinh viên đại học. Một địa điểm tiêm chủng khác do quan chức chính quyền hạt tổ chức tại trung tâm Atlanta có nhiều người hơn, họ xuất hiện vào giờ ăn trưa.

Margaret Herro, Giám đốc CORE khu vực bang Georgia, cho biết số người tiêm chủng tại các cơ sở lưu động của tổ chức này trong những tuần gần đây đã tăng lên trong bối cảnh biến chủng Delta gây ra đợt bùng dịch Covid-19 và vaccine Pfizer được phê duyệt hoàn toàn.

Từ cuối tháng 3 tới hết tháng 8, CORE tiêm được tổng cộng hơn 55.000 mũi tiêm tại hàng trăm địa điểm tại bang Georgia, bao gồm trường học và chợ nông sản. CORE dự định tập trung vào nhà máy xử lý thịt và các nơi làm việc khác vì những nơi này có nhiều người tới tiêm hơn, bà Herro nói.

Trong khi đó, tại Nairobi, Okoth tin rằng thế giới cần cùng cam kết bình đẳng vaccine để mọi người đều có mức miễn dịch cơ bản sớm nhất có thể.

“Nếu ai cũng được tiêm ít nhất mũi đầu, tôi nghĩ là sẽ chẳng còn ai quan tâm nếu có người được tiêm tới 6 mũi tăng cường đâu”, Okoth nói.

Buổi sáng đau thương đó kéo người Mỹ đến gần nhau

Điều tôi nhớ nhất về nước Mỹ cách đây 20 năm là nói chuyện với những người không quen trong khu phố về điều đã xảy ra. Tình yêu thương mang chúng tôi đến gần nhau.

Đại diện WHO Việt Nam: Mũi tiêm thứ 3 làm tăng bất bình đẳng vaccine

Trưởng đại diện WHO Kidong Park đánh giá cao cam kết tiêm chủng của Việt Nam, đồng thời nhắc lại thế giới chưa cần tiêm mũi tăng cường, mà nên tập trung tăng tỷ lệ bao phủ vaccine.

Đại dịch dai dẳng ở Mỹ Latin vì bất bình đẳng vaccine

Số ca mắc và tử vong ngày một tăng vì Covid-19 ở Mỹ Latin và vùng Caribbean đang làm nổi bật lên sự bất bình đẳng toàn cầu về tiếp cận vaccine, giới chức WHO cảnh báo.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm