Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai cơn bão trong nửa tháng tàn phá, thiên tai còn nhiều 'dị thường'

Dự báo trong 1 tháng tới, bão khả năng xuất hiện 1-2 cơn và mưa nhiều hơn; đồng thời, không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng đến nước ta.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa có phân tích đánh giá thời tiết, khí hậu 1 tháng qua và dự báo 1 tháng tới (21/9-20/10/2024).

Theo đó, trong thời kỳ từ 21/8-20/9, thời tiết nước ta trải qua nhiều hình thái thiên tai khốc liệt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.

Cụ thể, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng gần đây liên tiếp xảy ra 2 cơn bão. Đó là cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão với sức tàn phá khủng khiếp đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho nhiều địa phương miền Bắc. Trong khi việc khắc phục hậu quả cơn bão này còn đang được cả nước chung tay góp sức, thì những người dân miền Trung phải căng mình ứng phó với bão số 4. May mắn bão số 4 có cường độ không lớn nên giảm thiểu được thiệt hại.

Theo cơ quan khí tượng, bão số 3 Yagi đi vào Biển Đông ngày 3/9 và đến ngày 5, bão tăng lên 8 cấp trong 48 giờ (từ cấp 8 lên cấp 16, cấp siêu bão).

Đêm 6/9, bão số 3 đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, cường độ bão giảm xuống cấp 14, giật cấp 17. Chiều 7/9, bão số 3 đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 10-12, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16-17.

Sáng sớm ngày 8/9, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Thoi tiet anh 1

Cơn bão số 3 Yagi đổ bộ gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương miền Bắc. Ảnh bão vào Quảng Ninh: Thạch Thảo.

Bão số 4 (Soulik): Sáng 17/9, một áp thấp nhiệt đới đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông và đến sáng sớm 19/9 đã mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây. Chiều 19/9, sau khi đi vào đất liền Quảng Bình - Quảng Trị, bão số 4 suy yếu thành ATNĐ, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, trong 20 năm trở lại đây, tình hình thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường và rất khốc liệt. Đặc biệt, mưa bão, lũ lụt xảy ra với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng, để lại hậu quả nặng nề trong đời sống và sản xuất của người dân.

Cũng trong 1 tháng qua, cơ quan khí tượng cho biết, trên phạm vi toàn quốc xảy ra một số trận giông, lốc, sét, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Bắc Bộ và một số nơi ở Nam Bộ.

Bên cạnh đó, tại Bắc Bộ xuất hiện 2 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng vào các thời kỳ từ ngày 27-29/8 và từ 4-6/9. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng kéo dài nhiều ngày tại Trung Bộ. Trên cả nước đã ghi nhận nhiều trạm khí tượng có nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử (GTLS) cùng thời kỳ.

Đáng chú ý, trong thời kỳ này, tại khu vực Bắc Bộ xuất hiện nhiều ngày mưa rào và giông diện rộng; trong đó đã xảy ra 3 đợt mưa lớn (21-25/8, 6-11/9 và từ 16-19/9).

Tại khu vực Trung Bộ xảy ra 2 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng (6-12/9 và từ 17-20/9). Trong đó, đợt mưa từ ngày 17-20/9 do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và hoàn lưu cơn bão số 4, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa diện rộng, đặc biệt khu vực phía Nam của đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa (TLM) phổ biến từ 150-300mm, khu vực Trung Trung Bộ 300-400mm, có nơi cao hơn.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và giông rải rác, đặc biệt xảy ra mưa vừa, mưa to vào thời kỳ từ 22-31/8 và 1-10/9. Trên cả nước đã quan trắc được nhiều trạm khí tượng xảy ra giá trị lượng mưa ngày vượt GTLS cùng thời kỳ.

Cùng thời kỳ này, TLM trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20-50%, đặc biệt, khu vực Bắc Bộ cao hơn từ 100-200%, có nơi cao hơn từ 3-4 lần so với TBNN; riêng khu vực Nam Trung Bộ thấp hơn từ 10-30% so với TBNN cùng thời kỳ.

Ngoài ra, nhiệt độ trung bình trên cả nước cao hơn so với TBNN từ 0,5-1 độ, có nơi cao hơn; đặc biệt ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ cao hơn từ 1-1,5 độ, có nơi cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ.

Không khí lạnh bắt đầu hoạt động

Dự báo xu thế khí hậu thời hạn tháng từ 21/9-20/10/2024, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy vân quốc gia cho biết, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ, riêng Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ, có nơi cao hơn TBNN.

Bên cạnh đó, TLM trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, riêng khu vực Trung Trung Bộ cao hơn từ 15-30% so với TBNN cùng thời kỳ.

Trong thời kỳ dự báo, cơ quan khí tượng nhận định, hoạt động của bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN trên biển Đông: 2,1 cơn; TBNN đổ bộ: 0,9 cơn).

Thoi tiet anh 2

Không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ 22-23/9. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Cũng thời kỳ này, không khí lạnh bắt đầu hoạt động và tác động đến thời tiết nước ta.

Đáng lưu ý, trên phạm vi toàn quốc sẽ có nhiều ngày mưa, mưa rào và giông, có ngày mưa vừa, mưa to; riêng khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện một số đợt mưa lớn diện rộng.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/ATNĐ, không khí lạnh, gió mùa Tây Nam, giông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa lớn, giông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Miền Bắc đón đợt không khí lạnh đầu tiên

Hiện nay (22/9), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Đông Bắc Bộ. Trong ngày và đêm nay, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 4-5. Từ sáng nay, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2-3m.

Ngày 22-23/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa trời mát, vùng núi Bắc Bộ có nơi trời lạnh. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hoá phổ biến từ 20-23 độ, vùng núi có nơi dưới 19 độ.

Khu vực Hà Nội: ngày 22-23/9, trời mát với nhiệt độ thấp nhất phổ biển 21-23 độ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong ngày và đêm nay, ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 30-50mm, cục bộ có nơi trên 100mm; từ sáng nay đến ngày mai (23/9), ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 40-90mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Từ chiều tối nay đến đêm mai, mưa mở rộng đến Quảng Bình - Thừa Thiên Huế, cũng với lượng mưa từ 40-90mm, có nơi trên 150mm; riêng Thừa Thiên Huế 30-60mm, cục bộ có nơi trên 120mm.Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.

Hà Nội chuyển mát, Bắc Trung Bộ mưa rất to

Dự báo thời tiết ngày 22/9, do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc, trời Hà Nội có mưa, chuyển mát với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 22-24 độ. Khu vực Bắc Trung Bộ và Quảng Bình có mưa to đến rất to.

Dự báo 10 ngày tới: Miền Bắc đón không khí lạnh, Trung Bộ còn mưa lớn

Dự báo thời tiết 10 ngày tới (20-29/9), miền Bắc mưa giông cục bộ kèm không khí lạnh yếu, sau chuyển nắng nhẹ. Bắc và Trung Trung Bộ còn mưa lớn.

Miền Trung mưa lớn, lũ trên sông Gianh lên nhanh

Dự báo thời tiết 20/9, hậu bão số 4, miền Trung tiếp diễn mưa lớn, đặc biệt khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to. Lũ trên sông Gianh lên nhanh.

https://vietnamnet.vn/hai-con-bao-trong-nua-thang-tan-pha-nang-ne-thien-tai-con-nhieu-di-thuong-2324487.html

Bảo Anh/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm