Trong khi Mỹ và nhiều nước phát triển khác đang triển khai tiêm mũi thứ 3 vaccine Covid-19, phần lớn người dân ở các nước nghèo chưa được tiêm mũi nào.
Theo Wall Street Journal, các nhà sản xuất vaccine tuyên bố đang sản xuất đủ vaccine cho mọi người trên thế giới.
Tuy nhiên, quan chức y tế công và chuyên gia trong ngành cho rằng những công ty này vẫn dành quá nhiều vaccine cho các nước có thu nhập cao. Ở các nước giàu, vaccine có thể rơi vào tình trạng dư thừa không được sử dụng, trong khi người dân nước nghèo lại đang thực sự cần chúng.
Theo công ty dữ liệu Airfinity, khoảng 241 triệu trong số 600 triệu liều vaccine dư thừa nằm trong kho dự trữ của các nước giàu vào cuối tháng 12 này sẽ hết hạn sử dụng hoặc còn hạn sử dụng dưới hai tháng.
“Họ đang khiến các nước thu nhập thấp chịu tổn hại, trong khi cuối cùng thì họ cũng bị tổn thất", tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói.
Nước giàu dư thừa, nước nghèo thiếu thốn
Các nhà sản xuất trên toàn cầu đang sản xuất khoảng 1,5 tỷ liều vaccine Covid-19 mỗi tháng, và đang đặt mục tiêu sản xuất tổng cộng khoảng 12 tỷ liều cho tới cuối năm nay, theo liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế.
Wall Street Journal cho biết đến tháng 6/2022, tổng sản lượng vaccine Covid-19 sẽ tăng gấp đôi lên 24 tỷ liều.
Con số này cao hơn gấp đôi so với 11 tỷ liều mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho là cần thiết để tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu, với liều lượng 2 mũi/người.
Tại hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì vào tháng 9, các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số ở mọi quốc gia cho tới tháng 9/2022.
Dù mục tiêu đặt ra có vẻ đáng hoan nghênh, các quan chức y tế, nhà hoạt động xã hội và chuyên gia nghiên cứu chuỗi cung ứng cảnh báo rằng nhiều nước nghèo vẫn đang phải chật vật để có vaccine cho nhóm nguy cơ cao.
Một nhà máy sản xuất vaccine của Pfizer ở Bỉ. Ảnh: AP. |
Cho đến nay, các nước giàu mới phân phối được khoảng 10% trong số 1,7 tỷ liều vaccine cam kết chia sẻ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp tới tháng 9/2022, theo số liệu từ Our World in Data.
Điều này làm dấy lên làn sóng kêu gọi các nhà sản xuất vaccine và chính phủ những nước này công bố nhiều thông tin hơn về số lượng và thời điểm phân phối.
Một số chuyên gia cũng lo ngại rằng khi xảy ra tình trạng thiếu hụt vaccine, các nhà sản xuất đang ưu tiên cung cấp cho các nước có thu nhập cao để bán được với giá cao hơn.
“Các nhà sản xuất vaccine hoặc là đang giấu giếm mặt hàng này, hoặc là đang bán nó cho người khác và người này đang giấu kín vaccine", Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói.
Hiện mới chỉ 2,3% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm một mũi vaccine Covid-19, theo Our World in Data. Mục tiêu tạm thời do WHO đặt ra là tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở các quốc gia đang phát triển vào cuối năm 2021. Và mục tiêu này dường như khó trở thành hiện thực.
Tháng trước, cơ chế chia sẻ vaccine COVAX hạ mức dự báo phân phối vaccine trong năm nay xuống khoảng 1/4 so với mục tiêu cũ. Nguyên nhân là vì các nhà sản xuất vaccine như Johnson & Johnson và AstraZeneca giao hàng chậm.
Người phát ngôn của AstraZeneca cho biết công ty vẫn có kế hoạch sản xuất 170 triệu liều vaccine cho COVAX trong năm nay, theo đúng cam kết ban đầu. Một số lô vaccine được chuyển giao vào cuối năm nay có thể không đến kịp các nước nhận trong năm nay, mà phải chờ đến đầu năm 2022.
Các nước giàu có thể sẽ nhận được lượng vaccine lớn, thậm chí dư thừa, dù một số quốc gia, như Mỹ, đang triển khai tiêm vaccine mũi 3 cho nhóm dân số có nguy cơ cao.
Dựa trên phân tích về nguồn cung vaccine, công ty dữ liệu Airfinity cho biết một số nền kinh tế phương Tây giàu có nhất - như Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada - sẽ còn khoảng 600 triệu liều vaccine vào cuối năm nay.
Lượng dự trữ vaccine đó sẽ lên tới khoảng 900 triệu liều vào giữa năm 2022, đủ để các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số như WHO đặt ra, theo Airfinity.
Vaccine Covid-19 do Tây Ban Nha tài trợ đến Guatemala vào tháng 8. Ảnh: Shutterstock. |
Kêu gọi nước giàu chia sẻ nhiều hơn
Krishna Udayakumar, giám đốc sáng lập của Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke, cho biết: “Tôi tin rằng các quốc gia có thu nhập cao có thể chia sẻ nhiều hơn những gì đang làm. Chúng ta đang ở rất gần thời điểm quan trọng, khi nguồn cung tổng thể đã có đủ, nhưng vấn đề là thách thức về phân bổ, phân phối và chuyển giao vaccine".
Gayle Smith, người điều phối chiến lược ứng phó Covid-19 toàn cầu của Mỹ tại Bộ Ngoại giao nước này, cho biết Washington cam kết chia sẻ thêm vaccine nếu có dư. Tuy nhiên, quan chức này cũng cảnh báo dự đoán về mức sản xuất của các hãng vaccine đôi khi không thực tế.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm mua vaccine Covid-19 cho khối 27 quốc gia, cho biết việc các nước thành viên quyết định tài trợ thêm là tùy thuộc vào mỗi nước.
Vaccine dành cho các nền kinh tế phương Tây giàu có chỉ là một phần trong tổng nguồn cung toàn cầu. Gần một nửa sản lượng vaccine trong năm nay - khoảng 5,7 tỷ liều - dự kiến đến từ hai hãng dược phẩm Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc, theo Airfinity.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động và các chuyên gia y tế công cho rằng vaccine do phương Tây sản xuất mới là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động chia sẻ vaccine. Vì nhu cầu quốc tế có xu hướng hướng tới những loại vaccine này, theo Prashant Yadav, chuyên gia chuỗi cung ứng tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu.
Một nhân viên y tế đã tiêm vaccine Covid-19 ở Port-au-Prince, Haiti, vào tháng 7. Ảnh: AP. |
Quan chức y tế công và các nhà hoạt động xã hội cho rằng nếu những nước giàu chia sẻ vaccine dự trữ để giúp người dân ở các nước đang phát triển, thì các nước giàu sẽ không phải để phí vaccine trong kho trong nhiều tuần hay nhiều tháng.
Theo đó, cách tốt nhất để chia sẻ vaccine là những nước giàu đặt đơn hàng và chỉ định trực tiếp cho nhà sản xuất chuyển giao cho COVAX hoặc các nước đang phát triển.
Jenny Ottenhoff - giám đốc chính sách cấp cao của One Campaign, một tổ chức phi lợi nhuận chống đói nghèo - cho biết: "Chúng tôi đang thúc đẩy những nước này đưa ra tuyên bố kiểu: 'Chúng tôi sẽ chọn không tham gia, hoặc đứng ngoài vấn đề này, hoặc để COVAX nhận được vaccine trước'".
Bà Ottenhoff cho rằng chỉ có thể thúc đẩy những nước giàu chia sẻ thêm vaccine nếu các công ty và chính phủ sẵn sàng chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, chuyển giao vaccine.
Nếu các lô vaccine viện trợ đến mà không có thông báo chuẩn bị kỹ, với hạn sử dụng còn ít ngày, hoặc bổ sung một loại vaccine mới, các nước đang phát triển sẽ khó lập kế hoạch tiêm chủng phù hợp.