Việc hai thành viên nội các từ chức trong chưa đầy một tuần và một loạt phát biểu hớ hênh của các bộ trưởng khác cho thấy chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể đang trở nên khinh suất và thậm chí tự mãn trong nhiệm kỳ thứ ba của ông, theo Nikkei Asian Review.
Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai (trái) từ chức trong vòng chưa đầy một tuần sau cú ngã ngựa của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Isshu Sugawara. Ảnh: Nikkei. |
Trách nhiệm nặng nề
Ông Abe đã chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai hôm 31/10, ngay sau khi tuần san Shukan Bunshun đưa tin về cáo buộc vi phạm luật bầu cử đối với ông Kawai và vợ, một nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe.
"Tôi là người đã bổ nhiệm ông ấy. Tôi cảm thấy có trách nhiệm nặng nề", Thủ tướng Abe nói, đồng thời cho biết ông phải "nghiêm túc lắng nghe những chỉ trích gay gắt".
Việc nhanh chóng từ chức của ông Kawai cho phép ông tránh bị các nhà lập pháp đối lập công kích, giúp giảm thiểu thiệt hại cho chính quyền Abe.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Isshu Sugawara đã từ chức một cách nhanh chóng tương tự hôm 25/10 sau những cáo buộc về việc tặng quà bất hợp pháp cho người ủng hộ.
Ông Abe đã nhiều lần đối mặt với khó khăn tương tự trong quá khứ, nhưng hai đơn từ chức nối tiếp nhau của thành viên nội các trong một tuần là điều không bình thường.
Khủng hoảng bất ngờ
Nhiệm kỳ đầu của ông Abe giai đoạn 2006-2007 cũng khủng hoảng bởi bốn đơn từ chức, nhưng những lần này cách nhau vài tháng. Khi Bộ trưởng Tư pháp Midori Matsushima và Bộ trưởng Thương mại Yuko Obuchi từ chức cùng ngày vào năm 2014, ông Abe đã giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử sớm để tái lập vị thế của chính phủ.
Nội các hiện tại đã gây phản ứng từ khi được thành lập vào tháng 9. Đội hình được tái cấu trúc bao gồm 13 gương mặt mới, nhiều nhất trong thời gian làm thủ tướng hiện tại của ông Abe.
Nhiều người dường như được chọn vì mối liên hệ của họ với những nhân vật được coi là người có thể kế nhiệm ông Abe trong tương lai, bao gồm ông Kawai và ông Sugawara. Đây là hai người thân với Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, một trong những đồng minh thân cận nhất của Thủ tướng Abe.
Nhìn vào đội hình, các nhà lập pháp đối lập cho biết họ "có thêm đạn dược để tấn công" chính phủ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Giáo dục Koichi Hagiuda đã xin lỗi trong tuần này vì nói rằng các sinh viên tham gia kỳ thi trình độ tiếng Anh mới để vào đại học, bắt đầu vào năm tới, nên cạnh tranh "theo vị trí của họ", phát biểu được cho là xem nhẹ sự bất bình đẳng về cơ hội.
Hôm 29/10, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono xin lỗi vì đã nói đùa về việc "gọi mưa" sau khi Nhật Bản bị ba cơn bão tấn công trong thời gian tại nhiệm ngắn ngủi của ông.
Ông Kono từng là bộ trưởng Ngoại giao trước đợt cải tổ nội các mới nhất.
Ông Abe đang trên đường trở thành thủ tướng phục vụ lâu năm nhất của Nhật Bản vào tháng 11. Trong khi các đảng đối lập đã thành lập một mặt trận thống nhất chống lại chính phủ của ông, họ vẫn còn quá yếu để tạo ra nhiều mối đe dọa, và những người kế nhiệm tiềm năng vẫn chưa sẵn sàng cho sự ra đi của vị thủ tướng.
Một cuộc thăm dò của Nikkei, được tiến hành ngay sau khi ông Sugawara từ chức, cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các ông Abe là 57%.
Song những vụ bê bối chắc chắn sẽ khiến thủ tướng Nhật khó theo đuổi mục tiêu của mình hơn trong quốc hội, bao gồm cả tham vọng lâu năm của ông về việc sửa đổi hiến pháp.