Trong thông báo kết luận vừa ban hành, Phó chủ tịch Thường trực UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công dự án, công trình xây dựng.
Theo đó, Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và UBND quận, huyện, thị xã hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị thi công có biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công, xây dựng.
Các đơn vị được yêu cầu phải lắp đặt biển cảnh báo, biển cấm và có biện pháp bảo vệ, không cho người không có nhiệm vụ vào khu vực đang thi công; không để xảy ra các sự cố, tai nạn, đặc biệt là ở trên cao và dưới hố sâu.
Đồng thời, UBND Hà Nội cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, xây dựng; kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sau vụ việc bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp lọt xuống ống cọc bê tông trong công trường xây dựng, nhiều địa phương yêu cầu các đơn vị thi công đảm bảo an toàn tuyệt đối khi làm dự án. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Cũng trong văn bản trên, lãnh đạo thành phố đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân về phòng cháy chữa cháy; nhân rộng mô hình đã thí điểm triển khai có hiệu quả trong năm qua và tập trung xây dựng lực lượng dân phòng cả về lực lượng và trang bị phương tiện để đáp ứng yêu cầu "4 tại chỗ".
Công tác tuyên truyền cần hướng đến mục tiêu từng hộ gia đình đều được trang bị phương tiện, từng thành viên được tập huấn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được yêu cầu khẩn trương triển khai lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa về phòng cháy chữa cháy đối với học sinh các cấp bậc học trên địa bàn thành phố.
Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với Công an Thành phố trong công tác tuyên truyền đến người dân trên địa bàn thông qua mạng xã hội, tin nhắn, hệ thống loa phát thanh tại các phường, xã, thị trấn.
Đồng thời, Sở Xây dựng và Sở TNMT cần tham mưu thành phố có biện pháp xử lý đối với công trình xây dựng không phép, trái phép theo lĩnh vực không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Đáng lưu ý, chủ tịch UBND cấp huyện phải ký cam kết bằng văn bản với thành phố về số lượng, danh sách cơ sở, khu dân cư trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý và chủ tịch UBND cấp xã phải ký cam kết với cấp huyện.
Địa bàn nào để sót, lọt cơ sở mà không đưa vào diện quản lý theo Nghị định 136 của Chính phủ, UBND thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã; trường hợp để xảy ra cháy, nổ, có thể bị truy cứu trách nhiệm về hình sự theo quy định.
Đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, Hà Nội yêu cầu nghiêm túc tổ chức thực hiện giám sát việc chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ và yêu cầu dừng hoạt động của cơ quan chức năng; tuyệt đối không để cơ sở hoạt động chui, lén lút.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tập trung chỉ đạo để đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra. Theo đó năm 2023, thành phố đặt mục tiêu ít nhất 30% cơ sở khắc phục xong tồn tại về phòng cháy. Tỷ lệ này trong năm 2024 và 2025 lần lượt là 70% và 100%.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.