Sáng 28/4, tại phiên họp tập thể UBND TP tháng 4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đến nay trung bình mỗi xe buýt nhanh chỉ có khoảng 34 khách/chuyến (thấp nhất) và cao nhất chưa đạt 48 khách/chuyến. Vì vậy, việc buýt nhanh sử dụng riêng một đường ưu tiên là chưa hợp lý.
Theo Chủ tịch Hà Nội, trước mắt, Sở GTVT Hà Nội cần phối hợp cùng Tổng công ty vận tải thí điểm cho buýt thường chạy vào đường buýt nhanh 6 tháng. Sau đó nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác.
Trao đổi với Zing.vn, ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết trong dự thảo thay thế Quyết định 06/2013 của Hà Nội, Sở đề xuất mở rộng thêm một số phương tiện như xe buýt thường, xe cứu thương, các loại xe ưu tiên đi vào đường buýt nhanh.
Ông Quang thông tin nhận được chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội, Sở GTVT sẽ sớm phối hợp cùng Tổng công ty vận tải và các cơ quan hữu quan nghiên cứu phương án này.
Hà Nội nghiên cứu thí điểm cho buýt thường chạy vào đường buýt nhanh. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Cùng về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông vận tải Hà Nội khẳng định đầu tháng 5, Trung tâm sẽ trình Sở GTVT phương án cụ thể việc cho phép buýt thường chạy vào làn đường BRT.
“Việc này trung tâm đã nghiên cứu rồi. Buýt thường chạy chung với các phương tiện như xe máy, ôtô nguy cơ xung đột giao thông rất cao làm ảnh hưởng chất lượng, thời gian phục vụ hành khách. Khi buýt thường chạy vào làn BRT, tôi chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến tốc độ của buýt nhanh”, ông Hải nói.
Cũng theo vị này, trong 6 tháng thí điểm, buýt thường chỉ chạy chung đường, không đón khách cùng nhà chờ với buýt nhanh. Bởi bậc lên xuống giữa nhà chờ buýt nhanh và xe buýt thường không tương đồng.
Về tuyến buýt nhanh số 2 Kim Mã – Hòa Lạc, ông Hải nói rằng trung tâm đã trình lên UBND thành phố phương án tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi.
Lộ trình tuyến buýt nhanh BRT số 1 Yên Nghĩa - Kim Mã (đường màu xanh). Ảnh: Google Maps. |