Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đồ án đầu tư xây dựng 5 huyện lên quận, bao gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng.
Theo đó, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan được yêu cầu báo cáo UBND thành phố và Thành ủy Hà Nội về việc hoàn thiện hồ sơ đề án từ huyện lên quận để trình Chính phủ.
Thời hạn được giao với hai huyện Đông Anh và Gia Lâm là trong quý IV; 3 huyện còn lại hoàn thành hồ sơ trong năm 2025.
Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực thành lập quận, phường.
Các công việc bao gồm: Lập báo cáo rà soát, đánh giá phân loại theo tiêu chí đô thị đặc biệt; rà soát, đánh giá quy hoạch của các huyện để triển khai đồng bộ phương án thành lập thành phố trực thuộc thủ đô.
Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, đề án và thực hiện các quy trình, thủ tục báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập quận, phường.
Theo định hướng đến năm 2030, Hà Nội có 20 quận, một thị xã và 9 huyện. Đồ họa: Duy Anh. |
Hiện, mới chỉ có huyện Gia Lâm có dự thảo phương án đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong khi các huyện còn lại chưa báo cáo phương án đề xuất.
Theo kết quả địa phương tự đánh giá thực hiện các tiêu chí thuộc các nhóm cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, cả 5 huyện chưa đáp ứng đủ 31 tiêu chí từ huyện lên quận và 16 tiêu chí để xã thành phường.
Trong khi đó, theo rà soát sơ bộ của các sở, ngành, về tiêu chí huyện thành quận, hai huyện Đông Anh và Gia Lâm đã đạt mức tối thiểu quy định đối với nhóm cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó huyện Gia Lâm đạt 24/25 tiêu chí, huyện Đông Anh đạt 22/25 tiêu chí.
Về tiêu chí xã thành phường, huyện Đông Anh đã đạt mức tối thiểu nhóm cơ sở hạ tầng đô thị với 10/13 tiêu chí; huyện Gia Lâm đạt mức tối thiểu nhóm cơ sở hạ tầng đô thị theo phương án điều chỉnh địa giới với 10/13 tiêu chí.
Tuy nhiên, theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức vẫn còn một phần là khu vực nông thôn nằm ngoài phạm vi phát triển đô thị.
Theo báo cáo của 5 huyện, đến nay, còn 8 tiêu chí do 6 sở, ngành phụ trách đang vướng mắc trong việc xác định phương pháp tính toán và đang xin ý kiến hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản. Quy định pháp lý về cách xác định, phương pháp tính toán chưa rõ ràng, chưa thống nhất được phương pháp tính.
Trước mắt, Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu chính quyền 5 huyện trên tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận để hoàn thành việc đạt các tiêu chí thành lập quận, phường; rà soát, đánh giá mức độ đạt các tiêu chí này.
Đối với các tiêu chí chưa đạt, 5 huyện cần xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để đạt tiêu chí; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất về các sở chuyên ngành để cùng tháo gỡ hoặc tham mưu UBND thành phố giải quyết.
Sở, ngành liên quan hướng dẫn các huyện rà soát, đánh giá các tiêu chí; phối hợp với 5 huyện để đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo thành phố.
Hà Nội là địa phương có nhiều đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã nhất cả nước với 30 đơn vị. Tính đến năm 2022, thành phố có một thị xã (Sơn Tây), 12 quận trung tâm và 17 huyện. Trước đó, thủ đô chỉ có 4 quận lõi là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.