Trước việc 262 cây phong trồng tại dải phân cách trên đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng sinh trưởng kém, chết dần, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ thay thế toàn bộ bằng loại cây khác có khả năng thích nghi với môi trường tốt hơn.
Nhiều người dân muốn biết hàng cây này sẽ ra sao khi từng được lãnh đạo TP kỳ vọng mang hình ảnh châu Âu đến giữa thủ đô. Về việc này, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết TP dự kiến trả lại toàn bộ số cây này cho Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường, đơn vị tài trợ.
Hàng phong lá đỏ ở Hà Nội sinh trưởng kém, chết dần. Ảnh: Đức Anh. |
Bên cạnh đó, vì số cây này được tặng để trồng thử nghiệm, nên lãnh đạo Sở Xây dựng, Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội và Công ty Tân Đại Đường sẽ làm việc trực tiếp về hướng xử lý. Các đơn vị sẽ đánh giá chi tiết khả năng sinh trưởng của từng cây và đưa ra phương án phù hợp.
"Trước mắt, TP sẽ bàn giao lại toàn bộ số cây này cho đơn vị tài trợ. Họ cũng có thiện chí tặng lại TP để trồng nơi khác. Tuy nhiên, việc chăm sóc loại cây này không hiệu quả và điều kiện khí hậu ở Hà Nội không phù hợp nên cây khó sinh trưởng tốt", ông Thế Công nói với Zing.
Về loại cây thay thế, Sở Xây dựng đề xuất trồng cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây 10-15 cm, cao 6-8 m, hoặc trồng đan xen giữa bàng lá nhỏ và cọ dầu đường kính 40-60 cm, cao khoảng 2 m. Sở Xây dựng Hà Nội dự kiến trồng cây mới trong tháng 4 và hoàn thành trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Về kinh phí di chuyển cây phong, Sở Xây dựng dự kiến thực hiện bằng nguồn kinh phí của cơ quan này và Công ty Tân Đại Đường.
Kinh phí trồng cây mới sẽ được chi từ Nguồn sự nghiệp kinh tế của thành phố, nằm trong 10% chi phí dự phòng theo địa bàn giao Công ty Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện.
Hàng phong lá đỏ được trồng năm 2018, nằm trong chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh do UBND TP Hà Nội phát động. Lúc đó, lãnh đạo chính quyền kỳ vọng hơn 300 cây phong lá đỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, đóng góp tích cực vào việc cải thiện cảnh quan, môi trường thủ đô.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm thử nghiệm, hàng cây này khô héo, trơ trụi và hiếm khi ra lá. Sau nhiều lần báo chí phản ánh, đến nay hàng phong này mới chính thức được thay thế.