Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thay toàn bộ hàng phong lá đỏ 'chờ chết' giữa thủ đô

Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá việc trồng hơn 200 cây phong lá đỏ ở đường Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh không hiệu quả, gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

UBND Hà Nội vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về phương án thay thế 262 cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng vì sinh trưởng kém, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, những cây phong này do Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường tặng thành phố, được trồng thử nghiệm từ năm 2018. Trong đó, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng có 143 cây.

Tuy nhiên, việc trồng thử nghiệm cây phong tại 2 tuyến phố này không hiệu quả. Theo thống kê, 45 cây trong số này đã chết, 217 cây còn lại sinh trưởng kém, thường xuyên ghi nhận tình trạng héo lá; cành, nhánh khô và sâu bệnh.

Về loại cây thay thế, Sở Xây dựng đề xuất trồng cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây 10-15 cm, cao 6-8 m, hoặc trồng đan xen giữa bàng lá nhỏ và cọ dầu đường kính 40-60 cm, cao khoảng 2 m. Sở Xây dựng Hà Nội dự kiến trồng cây mới trong tháng 4 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Ha Noi bo cay phong la do anh 1

Hàng phong "chờ chết" giữa thủ đô. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trước đó, trao đổi với Zing, ông Lê Huy Cường, chuyên gia thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, đánh giá đặc tính của cây phong lá đỏ không phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam và đặc biệt là khu vực đô thị như Hà Nội. Ông Cường cho rằng loài cây này khi đưa về Việt Nam vẫn có thể sinh trưởng nhưng cần những điều kiện chăm sóc rất đặc biệt.

"Đáng lẽ cây này phải được trồng trong công viên, vườn hoa nhưng lại đem trồng ở dải phân cách trên đường. Mùa hè, nhiệt độ mặt đường có thể lên đến 50 độ C thì sao cây ôn đới chịu được", ông Cường phân tích.

Chuyên gia cho rằng dù mùa hè hay mùa xuân thì việc sinh trưởng, phát triển của cây cũng khó khăn. Ông Cường đề nghị TP nên cân nhắc không trồng đại trà loại cây này ở các tuyến phố khác thay cho các loại cây truyền thống.

Hàng phong lá đỏ được trồng năm 2018, nằm trong chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh do ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND Hà Nội lúc đó) phát động. Ông Chung hy vọng hơn 300 cây phong lá đỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng đóng góp tích cực vào việc cải thiện cảnh quan, môi trường thủ đô.

"Một năm nữa chúng ta có thể thấy việc nhiệt đới hóa những cây phong lá đỏ mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu", ông Chung nói năm 2018.

Vì sao cây phong ở Hà Nội trụi lá?

Chuyên gia nhận định loài cây này không phù hợp với khí hậu Hà Nội và bồn cây ở dải phân cách không phải nơi lý tưởng cho phong lá đỏ phát triển.

Cây sưa, phong lá đỏ ở Hà Nội héo khô

Nhiều hàng cây được thành phố đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng sinh trưởng kém. Thậm chí tại nhiều tuyến, cây không ra lá, có biểu hiện héo, chết khô.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm