Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về vị trí đặt ga ngầm C9 của dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Theo kết luận, Thường trực Chính phủ đánh giá cao nỗ lực, thận trọng của UBND Hà Nội và các cơ quan, đơn vị trong quá trình nghiên cứu, đánh giá lựa chọn phương án vị trí ga ngầm C9, đồng thời giao UBND Hà Nội tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan dự họp để quyết định theo thẩm quyền vị trí ga ngầm C9.
Vị trí đặt ga ngầm C9 từng được lấy ý kiến người dân thủ đô. Ảnh: Việt Hùng. |
Thường trực Chính phủ đánh giá việc lựa chọn vị trí xây dựng ga C9 có tác động lâu dài. Do đó, cần xem xét lựa chọn vị trí ga cách hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu một khoảng cách phù hợp, hiệu quả, bảo đảm an toàn tối đa các công trình văn hóa và bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của cụm di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Hà Nội cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về giao thông đô thị, kiến trúc, cảnh quan, môi trường của khu vực hồ Hoàn Kiếm và nhu cầu phát triển dài hạn.
Trong văn bản kết luận, Thường trực Chính phủ cũng giao UBND Hà Nội khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Ga ngầm C9 thuộc dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Dự án dài 11,5 km, trong đó 9 km ngầm. Tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng.
Theo phương án ban đầu được Hà Nội lựa chọn, vị trí ga ngầm C9 dự kiến đặt trong khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, dài 150 m, rộng hơn 21 m, sâu trên 17 m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).
Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên tiếng cảnh báo Hà Nội đặt ga C9 gần di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm là vi phạm Luật Di sản. Những băn khoăn, lo ngại về vị trí xây nhà ga dẫn đến việc UBND Hà Nội phải xin ý kiến Chính phủ.