Ông Hùng cho biết thêm, hiện Sở đang rà soát toàn bộ nhu cầu trên toàn thành phố, khu vực nào phù hợp với loại nhà vệ sinh nào sẽ xây dựng loại nhà vệ sinh kiểu đó.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành, quận huyện rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng để khai thác sử dụng hiệu quả.
Ông cũng yêu cầu Sở Xây dựng lập kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình nhà vệ sinh trên địa bàn, nhất là trong các quận nội đô, trình UBND thành phố phê duyệt trong năm nay để từng bước đầu tư, ưu tiên xã hội hóa.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu việc xây dựng các công trình nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết kiệm và tránh lãng phí.
Trước đó, cuối tháng 10, UBND Hà Nội đã phê duyệt chủ trương xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng.
Dự toán cụ thể được Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra: chí phí xây dựng 1,1 tỷ đồng, chi phí thiết bị 11,3 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 235 triệu đồng, tư vấn 485 triệu đồng, chi phí khác 874 triệu đồng và chi phí dự phòng 904 triệu đồng. Chi phí đề xuất cho chuẩn bị đầu tư dự kiến khoảng 358 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị cho biết, dự toán này là do đơn vị lấy từ báo giá từ một công ty. "Đây là mức giá thấp nhất, chắc chắn không có giá rẻ hơn", ông Cường nói.
Ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Ban Quản lý chỉnh trang đô thị, cho biết hiện có hai loại nhà vệ sinh 4 buồng và 2 buồng của rất nhiều nhà cung cấp, việc giá cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ việc thiết bị đồng bộ với việc cấp thoát nước, đường điện...
"Loại 4 buồng có giá khoảng 900 triệu đồng, 2 buồng có giá 600 triệu đồng, là con số tạm tính, còn khi đấu thầu chắc chắn sẽ có giá thấp nhất", ông Sơn khẳng định.