Theo ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, cơ sở để huyện đề nghị xây dựng 20 nhà vệ sinh công cộng bằng thép là do những nơi đó đều là điểm công cộng của thị trấn. Trả lời câu hỏi tại sao không xây dựng nhà vệ sinh bình thường cho đỡ tốn kém, ông Châm nói: “Những địa điểm công cộng này không còn mặt bằng để xây. Các bộ phận chức năng khảo sát mặt bằng cụ thể từng vị trí rồi mới đề xuất”.
Theo tính toán sơ bộ, nếu xây dựng 20 nhà vệ sinh công cộng bằng thép ở huyện Đông Anh sẽ tốn hơn 20 tỷ đồng. Giải thích về việc đưa nhà vệ sinh công cộng bằng thép ra ngoại thành (vốn có lợi thế đất rộng) sẽ rất tốn kém và lãng phí, ông Hoàng Nam Sơn, phó giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội, cho biết nhà vệ sinh bằng thép chỉ có hai loại hai buồng và bốn buồng.
“Nếu đầu tư ở nội thành thì giá cao hơn, còn giá ở ngoại thành sẽ thấp hơn nhiều”. Theo ông Sơn, giá đầu tư nhà vệ sinh bằng thép ở quận nội thành là 900 triệu đồng (loại bốn buồng) và 600 triệu đồng (loại hai buồng).
“Khi kiểm tra chúng tôi thấy có nhiều vị trí không thể lắp đặt nhà vệ sinh bằng thép, hoặc có những chỗ vốn có nhà vệ sinh xây dựng trước rồi. Chúng tôi chỉ chấp thuận xây dựng ba nhà vệ sinh bằng thép tại các vị trí khu di tích Cổ Loa và hai vị trí tại các khu vực bến xe, những vị trí khác không được chấp thuận”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Dục, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khẳng định: “Tôi hoàn toàn nhất trí với việc không mang nhà vệ sinh công cộng bằng thép ra ngoại thành lắp đặt. Nhà vệ sinh công cộng bằng thép có ưu điểm đảm bảo về mặt vệ sinh môi trường, về cảnh quan, diện tích nhỏ, phù hợp đầu tư ở khu vực trung tâm, ở các quận có vị trí khó khăn về mặt bằng”.
Đề cập việc đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép trong nội thành với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, theo ông Dục, số tiền 15 tỷ mới chỉ là khái toán, chưa phải là giá cụ thể. “Nếu tới đây có triển khai dự án thì cũng phải đấu thầu công khai, cạnh tranh, chứ không chỉ một hai ông mang đến báo giá mà xì xoẹt vào thì mang tiếng”, ông Dục nói.