Nhà vệ sinh xây xong rồi khóa cửa
Nhiều ngày nay, dư luận xôn xao trước thông tin thành phố chi 15 tỷ đồng để xây 14 nhà vệ sinh công cộng (VSCC). Nhiều người cho rằng, đây sẽ là sự lãng phí khi hàng trăm nhà VSCC bằng thép trước đây đã tiêu tốn hàng tỷ đồng của ngân sách nhà nước, nhưng thực tế vẫn còn "ế khách", thậm chí nhiều nhà VSCC xây xong vẫn cửa đóng then cài.
Một nhà vệ sinh xây xong rồi đóng cửa ở Hà Nội. |
Đi chơi ở phố cổ và gặp gỡ bạn bè trong chuyến công tác ra Hà Nội, anh Nguyễn Xuân Hòa không khỏi bức xúc khi tìm khắp khu vực Hàng Bạc, Hàng Bông, Hàng Gai không có lấy một nhà VSCC nào.
Tìm ra đường Yên Phụ gần đó, anh Hòa lại phải rước thêm sự bực mình, bởi từ cầu Long Biên đến Hồ Tây có hai nhà VSCC thì cả 2 cái đều cửa đóng then cài.
Đó không hẳn là bức xúc của chỉ riêng anh Hòa, bởi việc phân bổ và quản lý nhà VSCC trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Năm 2010, để đảm bảo vệ sinh đường phố và văn minh đô thị, hàng trăm nhà vệ sinh bằng thép đã được xây dựng. Khắp các công viên, vườn hoa, ven hồ... đều có những nhà VSCC kiên cố, kín đáo. Chỉ tính số nhà vệ sinh tại 4 quận nội thành (Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình) do Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội quản lí đã lên đến con số 310, tức là bình quân sẽ có 80 nhà VSCC trong một quận.
Riêng khu vực hồ Hoàn Kiếm đã có tất cả 16 nhà VSCC đang hoạt động. Khu vực quanh Hồ Tây, hiện có 6 nhà VSCC được xây dựng, đoạn đường Thanh Niên chưa đầy 1 km nhưng đã xây dựng 2 nhà VSCC (chưa kể nhà VSCC tại hồ Trúc Bạch đối diện Hồ Tây).
Thế nhưng, nhìn chung hệ thống nhà vệ sinh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách. Chỗ thừa chỗ thiếu, nơi người dân cần thì không có, còn nhiều nơi mật độ nhà VSCC dày đặc thì chẳng mấy người dùng, có nơi có nhưng người dân muốn dùng lại rất khó.
Câu chuyện nhà VSCC cửa đóng then cài của anh Hòa được công ty Môi trường đô thị Hà Nội giải thích: “Đó có thể là những nhà vệ sinh chỉ phục vụ thời vụ được phường hoặc quận dựng lên sau một sự kiện nào đó để phục vụ tăng cường cho người dân. Hết thời vụ, nó được đóng cửa".
Thực tế, không ít nhà vệ sinh kiên cố được dựng lên chỉ để đóng cửa hoặc buôn bán. Nhiều nhà VSCC trở thành lãnh địa hốt bạc của nhiều người.
Biến nhà vệ sinh thành nơi hốt bạc
Tận dụng lợi thế là nơi đông người, lại không mất tiền thuê mặt bằng kinh doanh, vốn ít, nhiều người đã biến những nhà VSCC ở Hà Nội thành quán giải khát, quầy văn hóa phẩm...
Điển hình là nhà VSCC trước khu vực bến xe Mỹ Đình. Mặc sự ô nhiễm, cả người bán hàng lẫn khách hàng vẫn vô tư ngồi thưởng trà. Các dịch vụ ăn uống vây quanh khiến người dân muốn vào cũng... ngại.
Nhà vệ sinh công cộng biến thành nơi bán trà đá. |
Nhà VSCC đặt ven Hồ Gươm còn được thiết kế như một cửa hàng tạp hóa với đầy đủ loại đồ ăn nước giải khát tới điện thoại công cộng. Bên trên tường được bày bán nón, đồ lưu niệm cho du khách.
Không chỉ được tận dụng để làm nơi bán nước, hàng ăn, nhiều nhà VSCC còn được cơi nới để phục vụ kinh doanh, điển hình như nhà VSCC phía trước trường ĐH Công đoàn được cơi nới để làm nơi dịch vụ photocopy, nhà VSCC gần chân cầu Long Biên nằm ở vị trí tiện lợi, kín đáo, nhưng từ lâu đã bị biến thành nơi để xe...
Trên địa bàn thành phố còn rất nhiều nhà vệ sinh gần như bị bỏ hoang, điển hình như khu nhà VSCC tại Cổ Nhuế (điểm cuối tuyến buýt số 14), nhà VSCC gần ngã ba Ba La - Hà Đông, trên đường Phạm Hùng (đoạn giao cắt với đường Khuất Duy Tiến) hay tại chợ Dịch Vọng (đối diện ĐH Quốc gia Hà Nội)...