Sáng 22/4, tại Hội nghị lần thứ 23, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội thông qua chủ trương triển khai tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai) và số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc).
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, tuyến đường sắt đô thị số 3 từ Ga Hà Nội đến Hoàng Mai có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại khu trung tâm.
Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội ở ga Trung tâm; kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại đường Vành đai 2,5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại đường Vành đai 3, tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.
8 tuyến đường sắt đô thị dự kiến của Hà Nội. Ảnh: HaNoimetro. |
Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là 8,8 km, trong đó đoạn đi ngầm là 8,1 km với 7 ga ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.75 tỷ USD, tương đương 40.580 tỷ đồng. Dự kiến, dự án được khởi công từ năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2028.
Thứ hai là Dự án Tuyến đường sắt số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc, có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.400 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Chiều dài toàn tuyến là 38,4 km với 6,5 km đi ngầm bao gồm 21 ga (trong đó có 6 ga ngầm). Dự án phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.
Tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với tuyến số 2 (đang triển khai thiết kế kỹ thuật), tuyến số 3 (đang xây dựng), tuyến số 4, số 6 (đang nghiên cứu), tuyến số 7, số 8 (đang quy hoạch).
Sau khi thảo luận về tờ trình về 2 dự án tuyến đường sắt đô thị này, các đại biểu đều thống nhất khẳng định sự cần thiết của dự án này.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung tiếp theo, trình Thủ tướng triển khai theo quy định. Trong quá trình triển khai, các đơn vị chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm lộ trình đề ra.