Cố gắng lắm mới có một chỗ đứng trong cửa hàng quần áo Made in Vietnam treo biển "giảm giá 70%" đang chật như nêm trên phố Thụy Khuê, chị Hải Hà một tay chọn áo ấm cho con, một tay bấm điện thoại rủ nhóm bạn thân gần đó tới mua chung. Chị cho biết, tuy quảng cáo giảm 70% nhưng thực tế giá đó chỉ áp dụng cho một số loại quần áo trẻ em, còn hàng áo khoác ấm và đẹp chỉ giảm 20-30%, nếu mua nhiều chủ hàng mới để giá tốt.
Một nhân viên của shop cho biết, tuy trời mưa, rét buốt, nhưng từ 8h sáng tới gần trưa, cửa hàng vẫn hoạt động hết công suất. Nhiều khách quen tranh thủ dịp giá giảm kịch liệt tới sắm đồ cho cả nhà. Các mối buôn cũng không bỏ qua cơ hội. "Còn nhiều đợt rét nữa nhưng mẫu hàng mới ra liên tục nên các mẫu cũ phải được giải phóng bớt. Mà giảm giá trời nắng thì ai thèm mua, phải đợi đợt rét đậm xả hàng mới đông khách", nhân viên cửa hàng này chia sẻ.
Tranh thủ đợt rét đậm, nhiều shop hàng đông đua nhau giảm giá mạnh 30-70%. Ảnh: Diệp Sa. |
Anh Đỗ Tuấn Anh (Phan Đình Phùng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang trên đường tới cơ quan nhưng thấy biển quảng cáo giảm giá mạnh cũng rẽ vào mua quần áo ấm cho con. Một chiếc áo phao hàng hiệu của trẻ em được bán với giá gần 400.000 đồng từ đầu mùa nay giảm chỉ còn 250.000 đồng. "Trẻ con thì sao phải chạy theo mốt, cứ đẹp là được rồi. Tôi gọi điện cho vợ kiểm tra giá thấy rẻ là mua luôn", anh vui vẻ chia sẻ.
Dù vậy, khách hàng này mách nhỏ, nếu không kiểm tra kỹ, rất dễ mua phải hàng lỗi lẫn trong hàng mới giảm giá. Anh vừa nói vừa vạch ra lỗi rách ở một chiếc quần lót nỉ trẻ em trên sạp hàng giảm giá.
Theo khảo sát của Zing.vn tại Hà Nội, cũng trên phố Thụy Khuê và một số phố chuyên hàng quần áo như Chùa Bộc, Thái Hà (quận Đống Đa), Kim Mã (quận Ba Đình), Ngọc Lâm (quận Long Biên), Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm)..., nhiều shop quần áo đông đua nhau treo biển giảm giá mạnh 30-70%. Bên cạnh hàng quần áo Trung Quốc, đại lý của các thương hiệu thời trang trong nước như may Nhà Bè, Made in Vietnam cũng giảm giá theo nhiều mức khác nhau.
Tuy nhiên, không phải shop nào treo biển giảm giá, thanh lý cũng đều hút khách. Xu hướng lựa chọn của khách hàng thời điểm này thường chuộng đồ chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp sau đó mới tới mức giá mềm.
Cẩn trọng với chiêu thanh lý hàng rởm giá cao
Bên cạnh hàng thời trang, nhiều cửa hàng chăn đệm, các thiết bị sưởi ấm cũng tranh thủ đợt rét đậm để giảm giá kích cầu. Chị Lan Dung, chủ quầy gia dụng trên phố Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) cho biết, không như mọi năm, năm nay sợ hàng tồn, chị chủ động giảm nhẹ giá bán lẻ các thiết bị sưởi ấm để xả kho, đón hàng Tết. Giá đèn sưởi nhà tắm, quạt sưởi, lò sưởi dầu, chăn điện... đều giảm từ vài chục tới cả trăm ngàn đồng/sản phẩm.
"Giờ mà cứ chiêu cũ, trời lạnh tăng giá là khách bỏ mình liền. Thế nên nhân dịp này, tôi giảm giá cho khách vui, kho cũng nhẹ bớt để còn nhập hàng Tết", chị Dung nói. Tuy nhiên, theo chủ shop này, nếu giá hàng hóa có giảm cũng chỉ giảm nhẹ chứ không thể có mức chênh bất thường. Chị Dung cảnh báo việc khách ham rẻ mua phải hàng kém lợi dụng trò thanh lý để ăn lãi cao.
Đề phòng hàng kém chất lượng mạo danh hàng hiệu thanh lý, người tiêu dùng thường tới tận nơi kiểm tra sản phẩm thay vì mua sắm qua mạng. Ảnh: Diệp Sa. |
"Hôm trước cô em gái tôi bên Cầu Giấy rủ đi xem một mối buôn thanh lý chăn điện và chăn lông cừu để giải tán cửa hàng. Toàn hàng nhập buôn iền triệu mà chủ mối rao có vài trăm. Tôi tưởng món hời nên cũng chuẩn bị tiền đến nhập lại. Ai dè tới nơi kiểm tra thì toàn hàng Trung Quốc, chất lượng kém lắm. Chăn điện không dám thử nhưng chăn lông cừu giật nhẹ lông đã ra cả nhúm", chị Lan Dung cho biết.
Đây không phải lời cảnh báo duy nhất của một chủ hàng có kinh nghiệm, thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn mua sắm online, người tiêu dùng liên tục chia sẻ nhau những địa chỉ trong "danh sách đen", chuyên bán hàng rởm giá cao núp bóng hàng hiệu thanh lý.
Tại một diễn đàn mua bán có số lượng thành viên lên tới hơn 200.000 người, tin rao bán chăn lông cừu quảng cáo là hàng chất lượng cao thanh lý giá dưới 500.000 đồng/chiếc, hút vài chục đơn hàng đăng ký mua chỉ trong 1 ngày. Nhưng sau khi có thành viên tới "sờ tận tay", kiểm tra chất lượng hàng và thông báo lại là hàng Quảng Châu (Trung Quốc), hầu hết khách đã đặt mua đều hủy đơn.
"Trời rét mướt thế này mà thấy hàng đông giá rẻ ai cũng ham, nhưng nếu không cảnh giác cao từ đầu mùa tới nay có khi tôi cũng 'dính' tới vài vụ mất tiền triệu vì hàng rởm mạo danh hàng hiệu bán thanh lý", chị Thanh Hằng (14 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) chia sẻ.