Những ngày gần đây, nhiều nhóm, hội, diễn đàn mạng xã hội liên tục đăng tin cảnh báo lừa đảo trong giao dịch, mua bán online, đặc biệt với các mặt hàng thanh lý rẻ, giảm giá sâu và hàng xả kho dịp cuối năm. Admin một group Facebook chống lừa đảo bán hàng qua mạng tại Hà Nội chia sẻ: "Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được 1, 2 trường hợp report (thông báo) bị lừa của thành viên.
Khoảng 3 - 4 trường hợp xảy ra trong tuần vừa qua do thành viên không cẩn thận, mua phải hàng thanh lý không đúng với mẫu mã hình ảnh đăng tải, hoặc chất lượng cam kết trước. Admin chẳng có cách nào khác ngoài việc loại khỏi group những cá nhân vi phạm, đồng thời cảnh báo trên trang để mọi người cùng tránh".
Hàng nhận về khác xa so với hình ảnh người bán đăng thanh lý. Ảnh minh họa: M.H |
Chị N.A (nhân vật đề nghị giấu tên) rất buồn khi chia sẻ với các thành viên trong nhóm chung sở thích mua hàng qua mạng, về chuyện mình bị lừa khi mua phải chiếc áo da hàng hiệu Zara được một thành viên cùng nhóm thanh lý với giá 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, chất lượng thực tế của mặt hàng chị H. nhận về khác "một trời, một vực" với hình ảnh người bán đăng lên mạng.
"May ra chỉ còn cái mác hiệu. Vai áo bị sờn rách, một số chỗ mốc trắng, rạn nứt, không hề đẹp và mới 90% như quảng cáo đăng bán trên diễn đàn nữa. Mình vừa thấy tiếc tiền, vừa cảm giác như bị lừa bởi chính người quen, nên càng buồn. Vì tuy không gặp gỡ trực tiếp, nhưng dù sao cũng là chị em cùng nhóm biết nhau qua mạng từ lâu", chị N.A tâm sự.
Sau khi lịch sự trao đổi riêng với bên thanh lý, chị H. được trả 1 triệu đồng, nhưng bù lại chị phải chịu phí ship trả hàng và phí chuyển khoản về đầu bán (?!). Chị N.A cho biết, do cảm giác ngại vì bị lừa nên ban đầu, chị chỉ dám chia sẻ câu chuyện với vài người bạn thân. Bạn chị đem 2 hình ảnh hàng rao thanh lý và hàng nhận được ra so sánh cũng không biết nên cười hay khóc với chị.
Không may mắn nhận lại được một phần tiền như chị N.A, Lan Hương (SV năm 2 Học viện Nông nghiệp Việt Nam) mua thanh lý đôi giày da được quảng cáo là "hàng hiệu Mỹ chuẩn" mua mới chính hãng 2,2 triệu đồng, thanh lý 200.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản tiền hàng và trả tiền ship cho bưu điện, đôi giày Hương nhận về không khác nào hàng thải ra "bãi rác".
"Sinh viên nếu không mua thanh lý thì chắc chẳng bao giờ được sờ tới hàng hiệu chính hãng, nên thấy giá hời, mình chuyển khoản mua luôn. Ngờ đâu bị lừa, đôi giày nhận về da bong tróc hết cả, có cố cũng không đi được. Chắc chị ta lấy ảnh chụp lúc mới mua về chứ photoshop cũng không thể khác nhau 180 độ như vậy được!", Lan Hương ấm ức. Cô liên hệ với người bán ngay sau đó, nhưng chủ thanh lý ngang nhiên từ chối nhận hàng trả lại. Tài khoản người rao cũng khóa chỉ sau vài tiếng.
Ảnh khách hàng đăng tố cáo một shop bán hàng kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó". Ảnh: M.H |
Khảo sát cho thấy, phần lớn những vụ lừa từ hoạt động bán hàng thanh lý, xả kho hàng cuối năm thường xảy ra trên chợ mạng. Hàng đăng ảnh rao bán thường được những kẻ gian lấy ảnh tương tự trên các website hàng hiệu chính hãng, hoặc ảnh chụp từ khi hàng còn mới, khiến người tiêu dùng non kinh nghiệm dễ bị lừa.
Như trường hợp của chị N.A và Lan Hương, ngay cả khi yêu cầu người bán chụp ảnh thật nhưng vẫn bị dính bẫy thanh lý, do bên bán dùng ảnh thật của hàng hóa từ khi còn mới chứ không phải ảnh hiện trạng hàng hóa ở thì hiện tại.
Vụ lừa lớn hơn được dân mạng chia sẻ nhau những ngày gần đây là trường hợp của chị M.H (Gia Lai), mua buôn lô quần áo da của một shop thời trang tại Đà Nẵng. Hàng quảng cáo trên trang của shop là hàng da đẹp, quần mặc tôn dáng, nhưng tới tay người nhận, lô hàng này được những người chứng kiến mô tả là "áo đi mưa và quần ngoại cỡ dành cho người quá khổ".
Bức xúc với kiểu làm ăn "treo đầu dê, bán thịt chó" này, tất cả những trường hợp lừa đảo nói trên đều bị cư dân mạng chia sẻ, cảnh báo cho nhau với tốc độ lan truyền chóng mặt. Tuy nhiên, ngoài việc bị mang tiếng, hầu hết kẻ gian đều thực hiện những bẫy lừa trót lọt. "Mình và không ít bạn bè dính bẫy lừa, nhưng một phần do tổn thất kinh tế không lớn, phần vì ngại nên chỉ biết rút kinh nghiệm, đề phòng, chứ không nghĩ tới chuyện báo cơ quan chức năng", chị N.A cho biết.
"Tham gia mạng xã hội, người dùng có thể sử dụng cùng lúc nhiều tài khoản ảo. Đây là kẽ hở giúp nhiều dân buôn bán gian lận lợi dụng lừa người tiêu dùng. Để phòng tránh, chúng ta chỉ còn cách lựa chọn những kênh bán hàng uy tín, và tốt nhất là chọn phương thức giao dịch kiểm tra hàng trước, thanh toán sau", anh Bùi Văn Việt, chuyên gia thương mại điện tử (91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ.