Ở thành phố Kawasaki (Nhật), các doanh nghiệp không chỉ có ý thức bảo vệ môi trường, mà họ còn biến rác thành tiền.
|
Hàng ngày, một lượng lớn vỏ chai nhựa được cho vào thùng rác. Ô nhiễm chất thải rắn trở thành một vấn đề của nhiều thành phố. Tuy nhiên, ở thành phố Kawasaki (Nhật), công ty Pet Refine Technology (PRT) lại đang ăn nên làm ra nhờ việc gom rác thải và chế biến thành vật liệu tái sinh. |
|
Mỗi ngày, PRT thu mua rác thải là những vỏ chai nhựa từ các thành phố như Tokyo, Kawasaki... để tái chế chúng. Giá thu mua rất rẻ nên đầu vào khá thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của công ty. |
|
Bà Toshiko Ito, người đứng đầu bộ phận kế hoạch, bán hàng của PRT, cho biết, công ty được thành lập tháng 10/2008 với quy mô ban đầu 72 người lao động.
|
|
Cũng theo bà Toshiko Ito, mỗi năm nhà máy xử lý được 680.000 tấn chai nhựa. Dù chi phí thu mua thấp, nhưng bà từ chối trả lời mức doanh thu và lợi nhuận vì đây là "bí mật kinh doanh".
|
|
Từ những chai nhựa bỏ đi, qua quy trình tái chế phức tạp thì cho ra sản phẩm hạt nhựa trắng để tái chế ra chai nhựa mới. Sản phẩm hạt nhựa của PRT được xuất sang nhiều nơi, trong đó có thị trường Trung Quốc.
|
|
Đại diện PRT khẳng định, dây chuyền tái chế của công ty là hiện đại nhất thế giới, và hiện chỉ có một nhà máy này do công ty chưa tính tới việc chuyển giao công nghệ, dù nhiều đối tác đã đến chào mua.
|
|
Vốn đầu tư nhà máy tái chế rác nhựa này là 20 tỷ Yên. Chi phí đầu tư nhà máy không quá lớn so với quy mô một phần quan trọng nhờ công ty phát minh ra được dây chuyền tái chế, thay vì đi mua. Vì thế, tài sản quý giá nhất của công ty được cho là dây truyền tái chế rác hiện đại.
|
|
Khác với PRT có mục tiêu quan trọng là biến rác thành tiền, nhà máy Ajinomoto tại thành phố Kawasaki lại đối mặt với việc phải xử lý nước thải để bảo vệ môi trường. Nhà máy có diện tích 350.000 m2 này hiện là nơi làm việc của 3.000 công nhân.
|
|
Theo ông Takashi Furukawa, Phó tổng giám đốc khối hành chính, an toàn lao động và môi trường của Ajinomoto, mỗi ngày nhà máy tại Kawasaki sản xuất 8.000 tấn sản phẩm bột ngọt, nước tương... Lượng nước thải, khí thải, nhựa,... từ hoạt động sản xuất cũng rất lớn.
|
|
Tuy nhiên, bằng việc đầu tư công nghệ hiện đại, các chất thải đã được tái chế làm thức ăn gia xúc, phân bón hóa học... Theo ước tính, riêng hệ thống xử lý nước thải của nhà máy mỗi ngày xử lý được 4 tấn chất thải làm nguyên liệu cho sản xuất phân bón hóa học (trong ảnh là nguyên liệu khô, kết quả xử lý nước thải).
Với một tập đoàn chuyên về thực phẩm hiện có 126 nhà máy, doanh thu 10 tỷ USD mỗi năm, việc xử lý chất thải thành nguyên liệu tái chế là quy trình bắt buộc của tập đoàn, đại diện Ajinomoto nói với VnEconomy.
|
|
Trường hợp của PRT và nhà máy Ajinomoto tại thành phố Kawasaki chỉ là hai ví dụ điển hình về việc biến rác thành tiền và trách nhiệm phải bảo vệ môi trường. Bởi ở thành phố 1,45 triệu dân, GDP đạt 5,2 nghìn tỷ Yên này, từ năm 1970-1972, 45 nhà máy lớn nhất thành phố đã phải ký với chính quyền về việc cam kết bảo vệ môi trường.
Ông Satoru Yokota, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu môi trường Kawasaki (Cục Môi trường Kawasaki) cho hay, theo ký kết, các công ty ở thành phố tập trung nhiều tập đoàn lớn trên thế giới này phải có chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thông qua việc dùng các nguyên, nhiên liệu giảm thiểu ô nhiễm môi trường dùng cho sản xuất. Việc bảo vệ môi trường được chính quyền thành phố giao nhiệm vụ cho từng quận.
|
|
Ông Satoru Yokota cũng cho biết, lượng khí thải Sulfur giảm mạnh từ 45.879 tấn năm 1973 xuống dưới 15.000 tấn vào những năm 1986, và đến những năm gần đây xuống dưới 9.000 tấn. Tương tự, lượng khí thải Nitơ oxit cũng giảm rất mạnh.
|
|
Ông Satoru Yokota nhấn mạnh, việc thành phố công nghiệp Kawasaki thành công trong việc bảo vệ môi trường xuất phát từ việc chính quyền đã triển khai thành công 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn những năm 1970 đã có những chính sách bắt buộc các doanh nghiệp phải bảo vệ môi trường; giai đoạn 2 từ những năm 1980 các doanh nghiệp bắt đầu cải tiến công nghệ theo hướng bảo về môi trường; và giai đoạn 3 từ những năm 1990 đã thành công trong việc giáo dục, tuyên truyền về kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường của người dân thành phố.
|
http://vneconomy.vn/the-gioi/bien-rac-thanh-tien-theo-kieu-nhat-20141211105050282.htm
Theo Duy Cường/Vineconomy
rác
tái chế
tiền
chế biến
xuất khẩu
Nhật
công nghiệp