Hơn 11h, chị Nguyễn Thu Trang vội gấp máy tính, di chuyển từ phố Bà Triệu về nhà tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai) để lo bữa trưa cho cậu con trai lớp 4 học online ở nhà.
“Quãng đường từ cơ quan về nhà chỉ gần 4 km, nhưng tình trạng này kéo dài quá lâu khiến tôi vô cùng mệt mỏi và áp lực. Chồng thường xuyên đi công tác xa, nhà lại không có ông, bà giúp đỡ nên tôi một mình xoay xở”, chị Trang nói.
Tình cảnh của nữ nhân viên ngân hàng này giống với hàng triệu phụ huynh thủ đô. Họ sốt ruột vì mọi thứ gần như đã trở lại bình thường từ lâu nhưng con vẫn chưa được đi học.
Hổng kiến thức, lo con tự kỷ
Hơn một năm nay, chị Trang tự nhận mình “như con thoi” khi liên tục “chạy đi, chạy về” để vừa lo việc cơ quan, vừa lo cho con. Không chỉ chịu áp lực từ công việc, chuyện học trực tuyến của con trai 10 tuổi khiến chị đau đầu. Cậu bé thiếu người giám sát, thường xuyên tiếp xúc với máy tính nên chểnh mảng học hành, hay xem phim, chơi game online. Dù buổi tối có kèm thêm cho con, chị Trang dễ dàng nhận thấy lượng kiến thức thiếu hụt rất khó bù đắp.
Phụ huynh Ngô Minh Nguyệt (36 tuổi, ở Mỹ Đình) trong khi đó đang phải tìm đủ mọi cách để “kéo” cô con gái đang học lớp 5 ra khỏi nhà. “Thời gian học trực tuyến quá lâu, cháu không được gặp gỡ, vui chơi với bạn bè mà hầu hết dành thời gian xem tivi, điện thoại, máy tính.
"Bây giờ, mỗi lần bố mẹ rủ ra ngoài con đều không muốn đi", chị Nguyệt chia sẻ nỗi lo con bị tự kỷ.
"Gù lưng, mắt cận, thiếu kỹ năng giao tiếp, cơ thể yếu ớt vì thiếu vận động" là hệ quả sau 2 năm học online của con gái chị Nguyệt. Đó cũng là lý do chị tha thiết mong con sớm được trở lại trường để học tập và vui chơi cùng bạn bè.
Học sinh tiểu học ở Hà Nội học trực tuyến trong một thời gian quá dài đã gây nhiều hệ lụy tiêu cực về tâm lý và việc phát triển các kỹ năng mềm của trẻ. Ảnh: P.N. |
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội), mở cửa lại trường học và đưa học sinh các cấp đến trường là cần thiết. Việc học trực tuyến đã kéo dài quá lâu và gây nhiều hệ lụy như chất lượng dạy và học hạn chế, học sinh thiếu cơ hội giao tiếp và phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng ngôn ngữ. Thậm chí, trẻ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý.
Khác với giai đoạn ngay sau Tết Nguyên đán (số ca mắc Covid-19 tăng cao mỗi ngày khiến nhiều phụ huynh e ngại việc đưa trẻ đến trường), đến cuối tháng 3, tình hình dịch đã dần ổn định. Việc mở cửa trường học thực sự trở thành yêu cầu cấp thiết.
Tại phiên giải trình của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19 hồi cuối tháng 2, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhiều lần khẳng định việc đưa học sinh quay lại trường là xu hướng tất yếu, không thể khác.
Theo ông, dù có ảnh hưởng nhất định, việc quay trở lại trường là tình thế buộc phải thích ứng. Vì khó có phương án toàn diện, nên cần chọn phương án khả thi hơn.
Vì sao trẻ chưa được đến trường?
Khác với nhiều địa phương, thời gian đến trường của học sinh mầm non, tiểu học của Hà Nội đến nay vẫn là “ẩn số”.
Khi số ca F0 giảm mạnh, chỉ đạo của Hà Nội trong việc đưa trẻ đến trường vẫn chung chung theo hướng “UBND thành phố Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn cụ thể các địa phương chủ động hơn nữa trong công tác bảo đảm phòng, chống dịch cho học sinh từ lớp 7 đến 12 học trực tiếp tại trường”.
Về việc tổ chức bán trú, thành phố cũng “giao Sở GD&ĐT xem xét bảo đảm phù hợp tình hình thực tế trong công tác phòng, chống dịch hiện nay và điều kiện cụ thể của từng địa phương”.
Lộ trình mở cửa trường học với học sinh mầm non, tiểu học - nhóm trẻ nhẽ ra cần tới trường nhất - thì lại không được nhắc tới.
So sánh với một số tỉnh, thành phố, chị Nguyễn Thu Trang sốt ruột khi những nơi có tỷ lệ mắc Covid-19 tương đương, thậm chí cao hơn đã mạnh dạn mở cửa trường học, còn Hà Nội vẫn "chưa chốt".
"Ví dụ Quảng Ninh có tỷ lệ số ca mắc/dân số là hơn 20,7% nhưng đã cho học sinh các cấp đến trường từ 14/3", phụ huynh này dẫn chứng. Chị tính toán, với dân số hơn 8 triệu người và tổng số người mắc Covid-19 ở Hà Nội hơn 1,4 triệu người, tỷ lệ số ca mắc/số dân của thành phố là 17,5%.
Với số ca nhiễm dao động khoảng hơn 3.000 ca trong những ngày gần đây, Nghệ An cũng đã quyết định cho học sinh bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT trở lại trường học trực tiếp từ ngày 4/4.
Cùng mốc này, Ninh Bình cho học sinh tiểu học trở lại trường để học trực tuyến, có thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và cho học sinh ăn bán trú.
Các hoạt động như phố đi bộ, phố ăn đêm Tạ Hiện, lễ hội khinh khí cầu... ở Hà Nội mở cửa thu hút rất đông người đến tham dự, gồm cả người lớn và trẻ em. Ảnh: Việt Linh - Tuấn Anh - Nhật Sinh. |
Với Hà Nội, sau khi “đạt đỉnh” với 32.650 ca mắc Covid-19 vào ngày 8/3, tình hình dịch đã dần hạ nhiệt. Vài ngày gần đây, số F0 của thành phố dao động khoảng 10.000 ca mỗi ngày, nhiều hoạt động được mở lại bình thường. Sở Y tế Hà Nội đánh giá thành phố "đã bước qua đỉnh dịch".
Nhờ dịch hạ nhiệt, Hà Nội cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa trước 21h hàng ngày), kể từ 15/3.
Từ 18/3, không gian phố đi bộ trên địa bàn quận trung tâm Hoàn Kiếm được mở lại với rất nhiều hoạt động náo nhiệt. Ngày hội khinh khí cầu tại Hà Nội mở cửa từ 25/3 thu hút hàng nghìn người đến mỗi ngày...
Với tỷ lệ bao phủ vaccine và độ mở của các hoạt động như hiện nay, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhấn mạnh nên sớm đưa học sinh quay trở lại trường học. Theo ông, dù chưa tiêm vaccine nhưng với việc phòng chống dịch như hiện nay, việc đi học của trẻ không còn quá nhiều nguy cơ.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM) đưa ra nhiều lý do thuyết phục cho việc này.
Theo đó, thời gian qua, số lượng trẻ mắc Covid-19 rất lớn nhưng hầu hết có triệu chứng nhẹ và nhanh phục hồi, hơn nữa, trẻ ở nhà vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 bình thường do bố mẹ ra ngoài đi làm hàng ngày. Với tỷ lệ tiêm vaccine của người lớn rất cao, ông Khanh cho rằng đủ cơ sở an toàn cho trẻ đến trường, không nhất thiết phải chờ tiêm cho trẻ 5-11 tuổi rồi mới cho đi học trở lại.
"Con đặt câu hỏi cho tôi là 'Bao giờ con mới được đến trường?', tôi chẳng biết phải trả lời thế nào. Vì chính tôi cũng không hiểu lý do vì sao thành phố chưa cho trẻ đi học trực tiếp trở lại", chị Nguyễn Thu Trang thở dài.
Tất tả trở lại văn phòng sau giờ nghỉ trưa ít ỏi, chị bày tỏ: "Hà Nội đã cho tất cả hoạt động trở lại bình thường, thì cần bình thường hóa việc đi học của học sinh các cấp".
Bình luận