Sáng 19/4, trao đổi với Zing.vn về việc Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Hà Nội xử lý các công trình vi phạm trên đất hai dự án cống hóa mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô nhưng chưa hề được xử lý, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhận định lãnh đạo TP Hà Nội không thể mãi chây ỳ, cần sớm xử lý sai phạm theo quy định pháp luật.
"Sai phạm rành rành ra đó, Phó thủ tướng cũng kết luận rõ ràng rồi. Tại sao Hà Nội không xử lý được các công trình này, lãnh đạo thành phố phải giải thích rõ và công khai trước truyền thông, không thể im lặng mãi thế", bà An nhấn mạnh.
Cần làm rõ trách nhiệm cấp phép
Nữ đại biểu Quốc hội cho biết các dự án cống hóa mương thoát nước ô nhiễm được triển khai là điều đáng mừng cho người dân thủ đô, cũng như định hướng đúng đắn của TP Hà Nội. Tuy nhiên, đất mương thoát nước là để xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý, không thể sử dụng bừa bãi.
Việc UBND Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm), mương thoát nước Nghĩa Đô (thời hạn 50 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng. Trong đó, mương thoát nước Phan Kế Bính đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.
Các nhà hàng vẫn hoạt động rầm rộ ở dự án cống hóa mương thoát nước Phan Kế Bính. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Theo bà An, các doanh nghiệp được thuê đất để làm bãi đỗ xe vì thành phố đang thiếu nhưng phần lớn diện tích lại cho thuê xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng... Điều này là đi ngược lại với mục đích tốt đẹp của dự án.
Nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho biết thời điểm bà làm đại biểu HĐND Hà Nội (2004-2011) cũng nhiều lần có ý kiến gay gắt với lãnh đạo thành phố việc đất 2 dự án này bị "xẻ thịt", nhưng đến này chưa ai bị xử lý, kiểm điểm dù đã biết sai phạm gần 10 năm nay. Các công trình vi phạm vẫn tồn tại là điều bất thường.
"Tôi đề nghị TP Hà Nội cần làm rõ trách nhiệm của những người cấp phép cho doanh nghiệp làm bừa, dù đã về hưu. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân chậm thực hiện kết luận của Phó thủ tướng để ngăn chặn những hoạt động làm xấu bộ mặt đô thị, coi thường pháp luật", vị đại biểu Quốc hội khóa XIII nói.
Lãnh đạo Hà Nội chưa làm hết trách nhiệm
Đồng quan điểm này, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng dự án cống hóa mương thoát nước đang bị xâm phạm nghiêm trọng, do chính quyền và doanh nghiệp cố tình không sử dụng đúng mục đích.
Dù có chỉ đạo của Phó thủ tướng, các công trình kiên cố trên dự án cống hóa Nghĩa Đô vẫn chưa bị "sờ gáy". Ảnh: Quỳnh Trang. |
Ông Liêm ủng hộ Chính phủ rất quyết liệt trong việc chỉ đạo xử lý sai phạm "xẻ thịt" 20.000 m2 đất công này. "Còn tại sao chưa xử lý dứt điểm công trình vi phạm, trả lại mặt bằng thì đó là trách nhiệm lãnh đạo TP Hà Nội và cán bộ liên quan. Cá nhân tôi thấy họ chưa làm hết trách nhiệm được giao", ông Phạm Sỹ Liêm khẳng định.
Chia sẻ việc chủ đầu tư yêu cầu Hà Nội bồi thường hàng trăm tỷ đồng nếu phải di dời, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho hay điều này là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, thời điểm có chủ trương đầu tư, TP Hà Nội đấu thầu công khai, doanh nghiệp chấp nhận mạo hiểm tham gia, họ phải được hưởng chính sách khi thực hiện xong hạ tầng công cộng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Liêm, TP Hà Nội và doanh nghiệp cần làm rõ những dạng công trình nào được bồi thường chứ thông thể cào bằng, hoặc trả đất nơi khác cho doanh nghiệp theo quy định.
Để rõ hơn về vấn đề chậm xử lý, Zing.vn đã liên hệ với ông Phạm Quí Tiên, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của UBND Hà Nội qua điện thoại. Ông Tiên tiếp nhận ý kiến và đề nghị gửi văn bản để báo cáo Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới có trả lời chính thức.
Cuối tháng 12/2017, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép ở 2 dự án cống hóa Phan Kế Bính (hơn 6.000 m2) và Nghĩa Đô (hơn 14.000 m2); đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 1/4/2018. Đến nay, chính quyền Hà Nội chưa có động thái đáng kể nào để xử lý vi phạm. Hai chủ đầu tư cho biết nếu phải di dời, phá dỡ công trình thì Hà Nội phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng họ đã đầu tư vào dự án.