Trao đổi với Zing.vn, đại diện các cơ sở kinh doanh trên 2 dự án cống hóa Phan Kế Bính và Nghĩa Đô cho biết họ đã nắm được thông tin về chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý vi phạm ở 2 dự án này.
Họ cũng biết về thời hạn 1/4 mà Chính phủ giao cho Hà Nội. Nhiều người cho rằng lỗi thuộc về UBND TP.
Đòi TP bồi thường thiệt hại 10 năm
Ông Nguyển Văn Cự, chủ cửa hàng kinh doanh điện tử trên đất dự án cống hóa Nghĩa Đô (thuê lại của chủ đầu tư) cho rằng lỗi lớn nhất là việc cấp phép của TP Hà Nội, điều đó đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông này cho biết do tin tưởng dự án được cho thuê 50 năm nên ký hợp đồng thuê lại, sau đó bỏ ra hàng chục tỷ để xây dựng, sửa chữa của hàng, tập kết sản phẩm, thuê nhân viên.
"Chính quyền buộc chuyển đi thì thiệt hại rất nặng nề", ông Cự nói.
Ông Cù Đức Tố, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp, Thương mại và Dịch vụ (chủ đầu tư dự án cống hóa Nghĩa Đô) cho biết doanh nghiệp đã bỏ gần 120 tỷ đồng để làm hạ tầng cho thành phố, từ mương ô nhiễm nặng giờ sạch đẹp.
"Phần diện tích TP cho làm dịch vụ, chúng tôi có quyền được hưởng. Không thể xong là phải cắp cặp bút đi được. Thành phố thu hồi vì mục đích công cộng chúng tôi sẵn sàng nhưng phải đền khu đất khác", ông Tố nói.
Cửa hàng cà phê trên dự án cống hóa Nghĩa Đô vẫn tấp nập khách ra, vào dù Phó thủ tướng yêu cầu xử lý. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Ông Võ Trí Dũng, đại diện Công ty Cổ phần Đa Quốc gia (chủ đầu tư dự án Phan Kế Bính), thì cho rằng từ trước đến nay công ty làm đúng quy định, bởi dự án đã trải qua 3-4 lần thanh tra của thành phố và rất nhiều lần kiểm tra.
Công ty phải đầu tư một khoản kinh phí lớn (khoảng gần 200 tỷ thời điểm năm 2007) để thực hiện dự án. Trong quá trình khai thác để hoàn vốn, công ty đã ký hợp tác với một đơn vị thứ phát khai thác trông giữ xe và 4 đơn vị khác (một đơn vị đã chấm dứt hợp đồng) để kinh doanh dịch vụ phụ trợ theo đúng quy định.
Về thông tin thu hồi toàn bộ khu đất của dự án Phan Kế Bính, ông Võ Trí Dũng cho biết đây là chủ trương của cơ quan chức năng để làm đường.
"Hiện, chúng tôi chưa nhận được văn bản nào từ TP Hà Nội. Nếu thu hồi, tháo dỡ, các bên phải ngồi lại với nhau tính toán thiệt hại của chúng tôi bỏ ra trong vòng 10 năm", ông Dũng nói.
Trình bày về việc công trình vi phạm tại số 3 Phan Kế Bính vẫn xây dựng dù có chỉ đạo của Phó thủ tướng, ông Dũng cho biết trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan chức năng, một số hạng mục thuộc dự án bị xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm đến an toàn của con người và tài sản, nên đơn xin sửa chữa, gia cố.
TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của công ty. Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản hướng dẫn sửa chữa đi kèm yêu cầu không làm thay đổi kết cấu chịu lực, công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng môi trường, an toàn công trình thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng...
"Không thể nói là làm ngay"
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy), cho biết khi cấp phép cho chủ đầu tư thực hiện dự án là làm bãi đỗ xe và các dịch vụ phụ trợ. Điều này là không rõ ràng.
Theo ông, dịch vụ phụ trợ đây là gì không được nêu rõ trong giấy phép, doanh nghiệp trình bày cửa hàng, quán ăn cũng là dịch vụ phụ trợ.
"Các cơ quan liên ngành của quận kiểm tra thì toàn bộ cửa hàng, công ty đều có giấy phép cả. Quận, phường cũng không đủ thẩm quyền để xử lý", ông Hưng bày tỏ.
Các công trình sai phạm ở dự án Phan Kế Bính chưa có gì chuyển biến. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trao đổi với Zing.vn, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho hay thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Chủ tịch UBND Hà Nội, quận đã yêu cầu chủ đầu tư, chủ các cửa hàng tự tháo dỡ.
Theo ông Hà, quận đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội rà soát, đánh giá tài sản trên đất để tính toán bồi thường hợp lý cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, quận cũng vận động một số cửa hàng tự di chuyển đến chỗ khác kinh doanh.
"Việc xử lý các công trình kiên cố vi phạm phải có thời gian chứ không thể nói là làm ngay được", ông Trần Việt Hà nói.
Quản lý địa bàn dự án cống hóa Phan Kế Bính, ông Nguyễn Duy Phước, Cán bộ Thanh tra Xây dựng phường Cống Vị (quận Ba Đình), thông tin việc chậm trễ xử lý là chờ chỉ đạo từ thành phố. Những công trình trái phép như kết luận thanh tra chưa khắc phục, phường tiếp tục ra thông báo yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho hay Sở đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội thu hồi các quyết định cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, hợp đồng cho thuê cũng như di dời các công trình sai phạm.
Tuy nhiên, do chưa có đánh giá tổng thể giá trị công trình trên dự án để làm căn cứ bồi thường cho chủ đầu tư nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn.
Vi phạm nghiêm trọng, quá thời hạn không xử lý
Cuối tháng 12/2017, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép ở 2 dự án cống hóa Phan Kế Bính và Nghĩa Đô; đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 1/4/2018. Đến nay, chính quyền Hà Nội chưa có động thái đáng kể nào để xử lý vi phạm.
Kết luận của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vì vậy, việc UBND Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm), mương thoát nước Nghĩa Đô (thời hạn 50 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng, trong đó, mương thoát nước Phan Kế Bính đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được thuê đất mương thoát nước để "cống hóa" làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ nhưng phần lớn diện tích đất mương sau khi "cống hóa" lại được cho thuê xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng. Một phần diện tích bị chuyển nhượng, diện tích đất dành cho trồng cây xanh lại sử dụng làm sân bê tông là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng.