Đây là nội dung được UBND Hà Nội đưa ra tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về tình hình thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn TP. Theo đó, Hà Nội nhất trí bỏ quy định công dân tỉnh ngoài phải có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại Hà Nội từ 3 năm trở lên thì mới được nhập khẩu Hà Nội.
Việc bỏ các quy định đặc thù về đăng ký thường trú (ĐKTT) ở các TP trực thuộc trung ương là bước quan trọng tiến tới bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng mã định danh cá nhân.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân
Theo đánh giá của UBND Hà Nội, đăng ký thường trú theo luật hiện hành đang gây khó khăn cho người dân, trong đó có các điều kiện về thời gian thường trú, diện tích bình quân nhà ở. Bên cạnh đó, các quy định này cũng không có hiệu quả do lượng người ĐKTT ít, chủ yếu là người trong gia đình đăng ký theo chủ hộ.
Lao động ngoại tỉnh sẽ được hưởng nhiều quyền lợi nếu chính sách này được thực thi. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Báo cáo lý giải công dân các tỉnh không đủ điều kiện ĐKTT vẫn sinh sống, vẫn sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục trên địa bàn bình thường. Đây cũng là lý do việc thực hiện giảm dân số cơ học mà Hà Nội thực hiện trong 6 năm qua không hiệu quả.
"Quy định này chỉ hạn chế công dân không được đăng ký thường trú chứ không hạn chế được công dân đến nhập cư", báo cáo của UBND Hà Nội nêu.
UBND Hà Nội cho rằng điều kiện ĐKTT khiến người lao động mất nhiều thời gian làm thủ tục hành chính, việc xin học, ứng tuyển vào cơ quan Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Việc bỏ điều kiện ĐKTT thành phố trực thuộc trung ương sẽ tạo thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho người dân, giúp tăng số lượng người được đăng ký thường trú và giảm các thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu.
Đăng ký thường trú ở Hà Nội như các địa phương khác
Phân tích về những khó khăn nếu chính sách có hiệu lực, Hà Nội cho rằng TP có thể phải chịu áp lực dân số do di dân tự do. Trong đó, 4 quận nội thành đang bị quá tải về hạ tầng giáo dục, y tế, nếu bỏ quy định hiện hành có thể dẫn đến nhiều vấn đề xã hội. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu của người dân; vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, điều kiện y tế, giáo dục, quản lý dân số sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Song, Hà Nội vẫn nhất trí với việc bỏ quy định riêng về điều kiện ĐKTT. Trong đó có bỏ thời hạn tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên và quy định về diện tích bình quân. Các quy định về đăng ký thường trú vào địa bàn Hà Nội được áp dụng như các tỉnh thành phố khác trong cả nước.
Để làm được điều này, Hà Nội cho rằng các cấp chính quyền cần phải có chính sách đầu tư phát triển về y tế, giáo dục, giao thông, nhà ở… và đưa các cơ sở sản xuất; giáo dục, dạy nghề ra các khu công nghiệp, ngoại thành, đầu tư xây dựng các khu đô thị ở ngoại thành để dãn dân nội đô.
Trả lời báo chí cuối tháng 6, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp của Bộ Công an, cho rằng quy định đặc thù ĐKTT ở các TP trực thuộc trung ương là sự bất bình đẳng và xâm phạm đến quyền tự do cư trú và đi lại của người dân.
Ông cũng thông tin quan điểm của bộ là không có đặc thù về đăng ký cư trú để đảm bảo quyền con người, quyền công dân và phù hợp với xu thế chung của thời đại, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.