Luật Cư trú (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 9/6 với nội dung đổi mới căn bản về việc bỏ sổ hộ khẩu, thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Để triển khai được chính sách này, cần hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam.
Tiết kiệm, chống tham nhũng
Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia có thể đến tháng 6/2021 là xong, nhưng chốt cứng trong luật quy định bỏ sổ hộ khẩu mà không có điều khoản chuyển tiếp thì rất khó. Bởi phải tính đến khi luật có hiệu lực rồi nhưng chưa bỏ được hộ khẩu giấy, chưa làm mã số định danh thì cần có điều khoản chuyển tiếp.
Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng chốt cứng trong luật quy định bỏ sổ hộ khẩu mà không có điều khoản chuyển tiếp thì rất khó. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Thay đổi luật thì phải có số định danh, phải có giai đoạn chuyển đổi, điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo tính khả thi. Nếu không bao nhiêu quyền công dân như đăng ký kết hôn, nhập khẩu, nhập tịch, thủ tục vay vốn ngân hàng, thế chấp… sẽ được thực hiện như thế nào”, Bí thư Hà Nội nêu vấn đề.
Ông lưu ý bỏ sổ hộ khẩu cần tính đến các luật khác như giao dịch bất động sản, thuế trước bạ… phải rà soát kỹ, thiết kế đảm bảo thông suốt cho hệ thống hành chính và quyền công dân.
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) lo ngại “hiện mới chỉ cấp được gần 20 triệu mã số định danh cá nhân, liệu đến lúc Luật được thông qua, có hiệu lực thi hành thì Chính phủ, cơ quan liên quan làm sao kịp cấp số định danh cho gần 100 triệu công dân?".
Bà cũng băn khoăn việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú trong khi các quy định pháp luật có liên quan hầu hết đều quy định cần các giấy tờ này, từ các giao dịch dân sự đến hành chính. Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM góp ý cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan để không ảnh hưởng đến quyền của người dân khi thực hiện các giao dịch.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM) nhận định bỏ sổ hộ khẩu sẽ tiếp kiệm và góp phần phòng chống tham nhũng.
Để thực thi thì hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phải có sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, song đến nay chúng ta chưa thực hiện quản lý dữ liệu công dân toàn quốc theo đúng lộ trình luật đưa ra, phải gia hạn đến tháng 6/2021 và khả năng đến thời điểm này cũng chưa thực hiện được.
Vì thế, cần tính đến việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ ảnh hưởng thế nào việc thực hiện các quan hệ giao dịch liên quan đến cư trú, con người, đất đai, nhà cửa, giáo dục…
Lo sức ép tăng dân cư ở thành phố lớn
Đại biểu Ngô Minh Châu (Phó chủ tịch TP.HCM) cũng đồng tình bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu tạm trú, bởi xu hướng quản lý dân cư trên thế giới hiện nay bằng khoa học công nghệ. "Việc này vừa hiệu quả và tốn ít công sức đi lại của người dân, đáp ứng yêu cầu thực tế về quản lý Nhà nước, an ninh trật tự", lãnh đạo TP.HCM nhận định.
Tuy nhiên, ông lưu ý việc chuyển đổi cần có lộ trình và thận trọng từng bước. "Phải tính toán đảm bảo trong thời gian chuyển giao, vừa tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu song song với ứng dung khoa học công nghệ bằng mã số định danh cá nhân. Đến khi hệ thống chạy thông suốt, hiệu quả và đảm bảo thay thế hoàn toàn sổ hộ khẩu thì mới chấm dứt được vai trò của loại giấy tờ này", ông Châu nói.
Ngoài ra, ông cảnh báo nếu để xảy ra sơ hở trong quá trình chuyển đổi, tội phạm sẽ lợi dụng, gây ra tình trạng "xây nhà mới chưa xong mà đã phá nhà cũ".
Dẫn chứng thực tế ở TP.HCM, ông Châu cho biết mỗi năm tăng 200.000 dân nhưng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, văn hoá, giáo dục… không tăng kịp. Vì vậy, ông lo ngại quy định bỏ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
"Nếu dân số cứ tăng như hiện nay thì áp lực ngày càng lớn. Trong khi luật này sửa đổi theo hướng bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, thì số tăng lên hàng năm có thể lên đến hàng trăm nghìn người mỗi năm, gây sức ép nặng nề", ông Châu nói.
Vì vậy, Phó chủ tịch TP.HCM đề xuất giữ lại một số điều kiện về kỹ thuật để làm sao các đô thị như TP.HCM vừa có thể phát triển cơ sở hạ tầng, văn hoá kỹ thuật đáp ứng kịp với sự gia tăng dân số, tránh tình trạng dân số tăng trước, cơ sở hạ tầng "chạy theo sau".