Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bỏ sổ hộ khẩu không khó như chúng ta nghĩ'

TS Trần Thất cho rằng vai trò của sổ hộ khẩu như một công cụ quản lý đã không còn nhiều ý nghĩa. Điều cần làm là thay đổi thói quen, sự mạnh dạn của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Chiều 9/6, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý về thay đổi công cụ cũng như phương pháp quản lý cư trú, hộ tịch, hộ khẩu của người dân.

Trình bày trước Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay luật mới sẽ bãi bỏ sổ hộ khẩu và các thủ tục hành chính có liên quan, thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Các thông tin về dân cư, hộ tịch sẽ được đồng bộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Zing đã có cuộc trao đổi với TS Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp của Bộ Tư pháp và là Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Hộ tịch (2014), để làm rõ những khó khăn, vướng mắc về thay thế sổ hộ khẩu ở nước ta hiện nay.

bo so ho khau,  quan ly ma so dinh danh ca nhan anh 1

Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố có đông người nhập cư nhất cả nước. Ảnh: Việt Linh.

Trung Quốc quản 1,4 tỷ dân cũng đã bỏ sổ hộ khẩu

- Chính phủ đang thể hiện quyết tâm rất lớn trong áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý dân cư, trong đó có việc loại bỏ hình thức sổ hộ khẩu. Các quốc gia khác có còn sử dụng sổ hộ khẩu như Việt Nam nữa không, thưa ông?

- Theo cách quản lý cư dân của Việt Nam từ trước đến nay, ta cần phải đề cập đến hai khái niệm là hộ khẩu và hộ tịch. Hộ khẩu thì do Bộ Công an quản lý, hộ tịch thì do Bộ Tư pháp quản lý.

Theo Luật Cư trú, quản lý hộ khẩu là quản lý việc cư trú và dịch chuyển nơi cư trú của công dân. Còn hộ tịch là quản lý các yếu tố mang tính nhân thân của công dân như sinh, tử, kết hôn, ly hôn, giám hộ...

bo so ho khau,  quan ly ma so dinh danh ca nhan anh 2

TS Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp của Bộ Tư pháp. Ảnh: NLĐ.

Trước đây, một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan đều quản lý theo cách dùng hộ tịch. Đối chiếu với các nước ở giai đoạn hiện nay, đa phần đều đã thay đổi. Họ không còn quản lý việc cư trú của người dân theo cách này nữa.

Còn ở Trung Quốc thời kỳ còn chiến tranh, họ quản lý dân cư rất chặt bao gồm cả việc dịch chuyển, cư trú. Gần đây, Trung Quốc đã cải tiến rồi, họ bỏ dần hộ khẩu và đang phát triển mạnh thẻ căn cước. Mặc dù quản lý 1,4 tỷ dân nhưng rõ ràng việc họ bỏ sổ hộ khẩu đã chứng minh việc quản lý vẫn hiệu quả.

Ở phương Tây, quan điểm của họ về tự do cá nhân, tự do cư trú khác và họ không nặng về việc quản lý việc cư trú, đi lại của người dân như ở Việt Nam. Cách quản lý của họ là theo từng cá nhân con người.

Như vậy, quản lý cư dân bằng sổ hộ khẩu, hộ tịch một cách bài bản, chặt chẽ chỉ còn Việt Nam. Không chỉ vậy, Việt Nam còn dùng nhiều loại giấy tờ khác để quản lý người dân như thẻ căn cước, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu là quản lý bao trùm nhất.

Theo luật, tự do đi lại, cư trú của người dân là quyền và lợi ích hợp pháp nhưng hiện nay lại đang bị quản lý bởi công an. Nhà nước cho người dân cư trú ở đâu thì họ mới được ở đấy. Thế nên mới xảy ra tình trạng người dân phải chạy vạy để có hộ khẩu, rồi chuyện xin việc, cho con đi học, nảy sinh nhiều tiêu cực do người dân không có hộ khẩu.

Việc này rõ ràng không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế của ta lúc này.

Công cụ quản lý của thời kỳ kinh tế bao cấp

- Tại sao sổ hộ khẩu không còn phù hợp nhưng Việt Nam vẫn quản lý dân cư bằng hình thức này?

- Sổ hộ khẩu là công cụ để cho Nhà nước quản lý về nơi sinh sống của con người, cái này rất quan trọng trong thời kỳ chiến tranh, kinh tế bao cấp của ta. Hồi đó người sống ở thành phố được hưởng chế độ khác người cư trú ở nông thôn. Từ thực phẩm, đến chất đốt, rồi vải may quần áo đều được phân chia dựa theo sổ hộ khẩu. Nhưng giờ là nền kinh tế thị trường, giao dịch bằng tiền, mua sắm theo nhu cầu. Nhà đất cũng vậy, không phụ thuộc việc Nhà nước bao cấp, phân chia. Không còn chuyện người đẻ ra ở Hà Nội mới mua được mua đất, nhà, sống được ở Hà Nội.

Như vậy hộ khẩu không còn ý nghĩa gì nữa ngoài 2 việc: Thứ nhất là ứng cử đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội. Thứ hai là Nhà nước kêu gọi thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự. Và tất nhiên, chúng ta không thiếu thiết chế, quy định để giải quyết được 2 vấn đề này.

Dù không còn ý nghĩa, chúng ta vẫn có cả một hệ thống cơ quan quản lý từ công an xã, phường. Rồi một hệ thống sổ sách, dữ liệu lưu trữ rất cồng kềnh, tốn kém để quản lý sổ hộ khẩu nhưng mục tiêu đưa lại cũng không nhiều.

Hơn nữa, quản lý theo cách hiện nay đang gây cản trở cho người dân trong phát triển kinh tế thị trường, chưa nói đến quyền tự do đi lại của người dân. Câu chuyện bỏ sổ hộ khẩu đã được đưa ra không phải từ 2-3 năm gần đây mà từ 20 năm trước rồi. Mỗi lần Quốc hội họp là câu chuyện này lại được đưa ra bàn bạc, thảo luận. Nhưng nhùng nhằng mãi, việc này vẫn chưa có bất kỳ kết quả nào.

bo so ho khau,  quan ly ma so dinh danh ca nhan anh 3

Sổ hộ khẩu đang đi ngược với xu thế tự do phát triển và hội nhập của Việt Nam. Ảnh: LVN.

- Nhiều thủ tục hành chính, giao dịch hiện nay vẫn dùng sổ hộ khẩu, theo ông, việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống người dân?

- Hộ khẩu ra đời trong thời kì chiến tranh và kinh tế bao cấp, có thể khẳng định hộ khẩu đã không còn phát huy giá trị của nó nữa. Nhưng ngược lại, nếu tiếp tục duy trì sự tồn tại của hộ khẩu, các cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục lạm dụng, biến nó thành công cụ quản lý của mình.

Các giao dịch ở ngân hàng, quản lý bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các giao dịch công chứng, mua bán nhà đất, tài sản... rất nhiều thủ tục không hề cần đến sổ hộ khẩu. Nhưng sổ hộ khẩu đang bị sử dụng sai mục đích, hay nói đúng hơn là "lạm dụng" thành công cụ quản lý của các cơ quan, đơn vị một cách máy móc.

Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân mà nó còn gây phiền hà, ức chế cho người dân trong tự do cư trú, sinh sống cũng như đi ngược lại với nền kinh tế thị trường.

Chính Bộ Công an cũng không đưa ra quy định nào yêu cầu các ngành phải sử dụng hộ khẩu trong các giao dịch, thủ tục cho người dân cả. Nhiều thủ tục hành chính không cần đến sổ hộ khẩu, mà các cơ quan Nhà nước cứ vin vào sổ hộ khẩu để làm khổ dân.

Đến giờ Bộ Công an đã đề xuất bỏ sổ hộ khẩu, hay chính cơ quan có trách nhiệm quản lý cao nhất về sổ hộ khẩu cũng thấy không cần thiết nữa, thì không có lý do gì mà không thể thay thế được cả.

Chưa có dữ liệu dân cư thì vẫn có thể bỏ hộ khẩu

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - một công cụ quan trọng để thay thế sổ hộ khẩu vẫn phát triển ì ạch, chưa đáp ứng được nhu cầu. Vậy ta có thay thế sổ hộ khẩu sớm được không?

- Như tôi đã nói ở trên, vai trò sổ hộ khẩu đã không còn quá cần thiết, vậy cơ sở dữ liệu quốc gia có hoàn thành hay không cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc bỏ sổ hộ khẩu.

Ví dụ như chuyện sang nhượng đất đai, nhà ở, nếu đúng người sở hữu thì chỉ việc trình ra sổ đỏ, hay sổ hồng. Nếu muốn bán, chủ sở hữu chỉ việc ra phòng công chứng, ký hợp đồng, xuất trình sổ đỏ và chứng minh nhân dân là có thể xác định được rồi.

bo so ho khau,  quan ly ma so dinh danh ca nhan anh 4

Bỏ sổ hộ khẩu sẽ đảm bảo sự bình đẳng và quyền tự do cư trú của người dân. Ảnh: Việt Linh.

Nhưng hiện nay, rất nhiều người kêu ca việc muốn làm các giao dịch nào cũng phải cầm theo sổ hộ khẩu rất mất công sức, chi phí và rườm rà.

Chưa có cơ sở dữ liệu về dân cư thì ta vẫn bỏ sổ hộ khẩu được, cái quan trọng là các cơ quan, đơn vị phải có bản lĩnh làm việc theo trách nhiệm của mình, chứ không thể làm việc máy móc, bắt người dân xuất trình một đống giấy tờ mà cũng không cần thiết.

Cái quan trọng nhất hiện nay phải thay đổi tư duy quản lý của các cơ quan Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực thủ tục hành chính thì mới mong bỏ được sổ hộ khẩu. Chứ vấn đề mấu chốt lại không phải là các công cụ quản lý thay thế. Vậy nên bỏ sổ hộ khẩu không khó như chúng ta nghĩ.

Bởi sự thật đã chỉ ra việc quản lý bằng sổ hộ khẩu đã quá lỗi thời, không cần thiết thậm chí là trở ngại cho quá trình sinh sống, lao động và các quyền, lợi ích của người dân. Các ngành phải hoàn thiện nghĩa vụ của mình, chứ không phải ngồi trong phòng lạnh để hạch sách giấy tờ.

Sổ hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh của mình

Các chuyên gia cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu, tiến tới quản lý dân cư bằng mã số định danh, cơ sở dữ liệu quốc gia là xu thế tất yếu và cần thiết.

Quản lý bằng mã số định danh cá nhân được thực hiện thế nào?

Dự thảo Luật Cư trú mới sẽ bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu thay bằng quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm