Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quản lý bằng mã số định danh cá nhân được thực hiện thế nào?

Dự thảo Luật Cư trú mới sẽ bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu thay bằng quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Ngày 19/2, Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập.

Theo Bộ Công an, Luật Cư trú mới sẽ đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý dân cư, giúp xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.

Dừng quản lý bằng sổ hộ khẩu

Theo Bộ Công an, các quy định, thủ tục của Luật Cư trú hiện hành còn thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân.

bo so ho khau anh 1

Bộ Công an sẽ quản lý dân cư bằng số định danh thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Dự thảo luật mới bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, kết quả giải quyết thủ tục sẽ được đồng bộ thẳng lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Như vậy mã số định danh cá nhân sẽ giúp loại bỏ toàn bộ hoặc một phần các thủ tục hành chính như tách, cấp, đổi, điều chỉnh sổ hộ khẩu; cấp, xóa, đổi đăng ký thường trú...

Dự thảo luật quy định trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa điểm thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký.

Trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời cho người đăng ký bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cấp giấy xác nhận về nơi đăng ký thường trú cho công dân khi có yêu cầu.

Cơ sở dữ liệu về cư trú là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ

Theo dự thảo luật, Cơ sở dữ liệu về cư trú là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu phải bảo đảm mọi truy nhập để thay đổi thông tin về cư trú của công dân phải được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan quản lý cư trú.

Việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ cơ sở dữ liệu về cư trú cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân do bộ trưởng Bộ Công an quy định; cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sao chép, in trái phép thông tin, tài liệu từ cơ sở dữ liệu về cư trú.

Dự thảo luật cơ bản giữ nguyên các quy định liên quan đến lưu trú và thông báo lưu trú. Đối với việc khai báo tạm vắng, các trường hợp cần khai báo tạm vắng gồm: bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành phạt cải tạo không giam giữ…

Theo tính toán của Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản, không phải sao, chụp hoặc chứng thực bản sao từ bản chính.

Giải pháp này cũng góp phần kết nối, chia sẻ thông tin dân cư giữa các ngành, lĩnh vực đời sống; là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử. Bộ Công an cũng nhấn mạnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi.

Bộ Công an đề xuất bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy

Nhận định trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, Bộ Công an đề ra dự thảo bỏ toàn bộ hoặc một phần thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu giấy.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm