Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp phòng chống ngập” do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 7/8, các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam và Hà Nội đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.
Nguyên nhân ngập của Hà Nội được các nhà nghiên cứu cho rằng, do địa hình khu nội thành chỉ cao hơn từ 6 đến 6,5 m so với mực nước biển, độ dốc dưới 10% chiếm gần 55% diện tích toàn thủ đô. Đây chính là lý do khiến nước ở Hà Nội không thể thoát tự nhiên (tự chảy), mà cần sử dụng bơm cưỡng bức ra sông.
Xu hướng bê tông hóa bề mặt và lượng nước thải tăng trên 3,5 lần so với những năm 1980, khiến hệ thống cống dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu - các chuyên gia đánh giá và chỉ ra những bất cập trong quy hoạch hệ thống trạm bơm tiêu thoát tại Hà Nội, chưa có hệ thống giám sát, cảnh báo và điều hành đồng bộ chống ngập…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (đứng) chủ trì hội thảo. Ảnh: Thắng Quang |
Để giải quyết 26 điểm ngập, các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần một giải pháp tổng thể, như hoàn thiện và cải tạo hệ thống sông, kênh, hồ điều hòa, nâng cấp và mở rộng hệ thống thoát nước, xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo, điều hành và đào tạo nhân lực.
Là người thiết kế hệ thống phòng chống lụt của Đài Bắc, giáo sư Hong Yuan Lee, Giảng viên Khoa Công trình thủy lợi dân dụng (Đại học Đài Loan) đã đưa ra một khái niệm mới về phòng chống ngập lụt: "Giữ nước thượng lưu, giảm ngập trung lưu, phòng chống ngập lụt hạ lưu”.
Theo vị giáo sư Đại học Đài Loan, nếu nhận được sự ủng bộ của Chính phủ, người dân và các tổ chức, giải pháp phòng chống ngập ông nêu có thể đưa Hà Nội trở thành đô thị sinh thái, phòng ngập lụt hiệu quả, bảo vệ vòng tuần hoàn nguồn nước bền vững, an toàn.
Còn các chuyên gia đến từ Malaysia thì giới thiệu với Hà Nội mô hình đường hầm thông minh giao thông - chống ngập cho khu vực phía tây thủ đô (nơi tập trung nhiều khu đô thị mới, nhà cao tầng). Đường hầm thông minh có 3 tầng, dưới mặt đất 20 m, có cửa thoát lũ và thông khí. Ở điều kiện bình thường, khi ít mưa hoặc không mưa, đường hầm mở cửa cho các phương tiện qua lại.
Nếu có mưa trung bình, chế độ thích hợp sẽ được kích hoạt, nước được dẫn vào đường hầm phụ ở dưới đường hầm chính và các phương tiện vẫn qua lại được. Khi có bão lũ, các trạm quan sát sẽ theo dõi việc đóng cửa đường hầm, khi đó, các cổng hầm tự động được mở để nước mưa tràn vào và thoát lũ ra hồ chứa. Sau bão lũ, hệ thống đường hầm này sẽ mở lại trong 48 giờ.
Hà Nội bị ngập nặng sau mỗi trận mưa lớn. Ảnh: Lê Hiếu |
Các giáo sư đến từ Nhật Bản đưa ra lời khuyên, giải pháp chống ngập của Hà Nội cần đảm bảo tổng thể, phải triển khai ngay các giải pháp khẩn cấp, giải pháp ngắn, trung và dài hạn.
Các vị giáo sư từng tham gia thiết kế hệ thống chống ngập tại Tokyo đề xuất, Hà Nội cần có giải pháp chống ngập khẩn cấp với các hầm trữ nước; xe bơm di động; hệ thống quan trắc và hệ thống cảnh báo ngập toàn diện, tổng thể; thành lập trung tâm Điều hành khẩn cấp (EOC) và kế hoạch điều hành công tác chống ngập. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, thủ đô cần xây dựng hệ thống cảnh báo sử dụng radar băng tần X hiện đại hàng đầu thế giới, chuyên để quan trắc mưa, có thể xây dựng các hình ảnh 3D giúp đo đạc chính xác các dữ liệu, phục vụ công tác dự báo...
Chủ trì hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung hứa sẽ tiếp thu các ý tưởng, mô hình chống ngập mà các chuyên gia "hiến kế", giao các sở, ngành nghiên cứu trong thời gian tới.