Mục tiêu này được chính quyền thành phố Hà Nội đặt ra trong Chiến lược phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn.
Theo đó, thành phố đặt mục tiêu tổng quát là phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ đến cấp huyện, xã nhằm tương tác và phản ánh nhanh nhạy trước những tác động của thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường đến đời sống kinh tế - xã hội.
Với kế hoạch này, Hà Nội yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở bằng cách trong vòng 3 năm tới, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây không dây FM chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Đến năm 2025, các địa phương sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.
Năm 2017, Hà Nội thống nhất sắp xếp lại hệ thống loa phường và hạn chế phát loa ở 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Ảnh: Thắng Quang. |
Nhiệm vụ trọng tâm là thiết lập mỗi xã, phường một hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Với những nơi có dải truyền thanh có dây hoặc không dây FM, địa phương tổ chức chuyển đổi theo lộ trình trong giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể, trong vòng 3 năm tới, mỗi năm, 25-30% số đài truyền thanh có dây hoặc không dây FM phải được chuyển sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Việc này thực hiện theo nguyên tắc chuyển đổi trước những dải hư hỏng, xuống cấp, hết khấu hao phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm tránh lãng phí trong đầu tư.
Ngoài ra, Hà Nội lên kế hoạch thiết lập trang thông tin điện tử của UBND cấp xã, phường và bảng tin điện tử ở nơi công cộng do cấp xã, phường quản lý. Đến năm 2025, 100% quận, huyện thị xã có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với hệ thống thông tin nguồn thành phố.
Về vận hành, nhân lực làm việc ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện sẽ được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh giản, dần chuyển đổi sang thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung, tập trung sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện bao gồm phát thanh, cổng thông tin điện tử, bảng tin điện tử...
Kinh phí thực hiện kế hoạch trên được bố trí từ ngân sách thành phố theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và nguồn kinh phí đối ứng của thành phố và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác theo quy định.
Vào tháng 3/2021, UBND TP ban hành quyết định về việc điều chỉnh một số nội dung tại đề án sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. UBND quận, huyện, thị xã được yêu cầu chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn quyết định số lượng loa và cụm loa phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn; tuyên truyền, vận động người dân trên địa bản tiếp nhận thông tin thiết yếu qua đài truyền thanh cơ sở.
Theo kế hoạch này, hệ thống phát thanh cơ sở thuộc cấp quận sẽ phát tối đa hai buổi sáng chiều/ngày, tần suất 5 ngày/tuần, tối đa 15 phút/buổi. Hệ thống phát thanh cơ sở thuộc cấp huyện, thị xã sẽ phát tối đa hai buổi sáng chiều, 5 ngày/tuần và thời lượng tối đa 45 phút/buổi bao gồm cả thời lượng tiếp sóng đài cấp trên. Vào thứ bảy, chủ nhật, các hệ thống trên chỉ phát thanh khi có trường hợp đặc biệt.
Đầu năm 2017, Hà Nội tổ chức lấy ý kiến người dân về loa phường. Thống kê cho thấy gần 90% người dân khẳng định hệ thống loa phường không cần thiết duy trì; chỉ 4% cho rằng cần thiết và hơn 6% ý kiến nhận định loa phường cần thiết nhưng phải đổi mới.
Ngày 1/8/2017, UBND TP ban hành đề án yêu cầu các quận, huyện, thị xã sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh phường, xã, thị trấn theo hướng hiệu quả, tối ưu, phân bổ hợp lý, đặt tại địa điểm công cộng, đông dân cư, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân, trật tự mỹ quan đô thị.
Theo kế hoạch này, các phường được duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa). Hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh.