Hà Nội muốn tăng giá trên 800 dịch vụ y tế
Giá của 819 dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập của Hà Nội được kiến nghị điều chỉnh tăng ở mức bằng 75% so với khung tối đa do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành.
HĐND TP Hà Nội dự kiến thông qua trong tuần này nghị quyết về quy định điều chỉnh giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập trực thuộc thành phố.
Nếu mức điều chỉnh này được HĐND thông qua thì giá khám bệnh tại bệnh viện hạng 1 của Hà Nội sẽ là 17.000 đồng/lần, bệnh viện hạng 2 là 12.000 đồng/lần. |
Theo tờ trình này, sẽ có 819 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được điều chỉnh. Mức điều chỉnh dự kiến bằng 75% so với trần quy định của thông tư 04 do Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành vào tháng 2/2012 (quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước).
Nếu mức điều chỉnh này được HĐND thông qua thì giá khám bệnh tại bệnh viện hạng 1 của Hà Nội sẽ là 17.000 đồng/lần, bệnh viện hạng 2 là 12.000 đồng/lần.
Giá một ngày giường bệnh đối với điều trị hồi sức tích cực là 300.000 đồng/ngày. Giá một ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu là 113.000 đồng (bệnh viện hạng 1) và 75.000 đồng (bệnh viện hạng 2). Các mức giá trên chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở.
Giá giường bệnh nội khoa, ngoại khoa cũng tăng mạnh lên mức cao nhất là 108.000 đồng/ngày (chưa tính điều hòa). Với trường hợp nằm ghép 2 người/giường thì chỉ thu tối đa 50%, nằm ghép 3 người/giường trở lên thì thu tối đa 30%/người.
Các chi phí chụp chiếu, xét nghiệm, siêu âm cũng tăng lên mốc mới: Chụp CT-Scanner (không thuốc cản quang) giá 500.000 đồng/lần và 870.000 đồng/lần nếu có thuốc cản quang, nội soi ổ bụng giá 460.000 đồng/lần, …
Dự kiến lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế gồm 2 giai đoạn: Từ 1/8/2013 sẽ điều chỉnh bằng 75% giá trần theo quy định hiện hành của thông tư 04. Từ 1/1/2016 sẽ thực hiện 100% mức giá trần mà thông tư 04 đưa ra.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội thì mức tăng trên được xây dựng dựa trên cơ sở có lộ trình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại bệnh viện và phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, thu nhập của người dân và tỷ lệ dân số tham gia BHYT, khả năng cân đối quỹ của BHYT Hà Nội.
Tờ trình này cũng nêu rõ: Các khoản thu được để lại toàn bộ cho đơn vị thu để sử dụng theo quy định, hàng năm đơn vị thu phải dành 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để nâng cấp, sửa chữa, mở rộng khu vực khám bệnh, mua sắm trang thiết bị và dành 15% để cải tạo, mở rộng khu vực buồng bệnh,…
Trước khi trình lên UBND TP Hà Nội mức tăng viện phí mới, Sở Y tế Hà Nội cũng đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng để đánh giá tác động kinh tế - xã hội của đề án tăng viện phí trên địa bàn Thủ đô.
Kết quả cho thấy 57,9% người dân được hỏi đồng ý tăng giá viện phí để tăng chất lượng dịch vụ y tế song ý kiến này sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực nếu không có sự cải thiện rõ rệt so với thời điểm chưa tăng. Trên thực tế, có 23,7% người dân đi khám bệnh đã không dùng đến thẻ BHYT do phải chờ đợi quá lâu, thủ tục rườm rà,…
Nếu được HĐND thông qua, giá viện phí mới sẽ có hiệu lực ngay từ 1/8 tới.
Theo Vietnamnet