Nội dung trên được Công an Hà Nội cho biết chiều 28/2 tại hội nghị sơ kết một năm thành phố triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Báo cáo tại hội nghị, thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết đến ngày 30/12/2022, Hà Nội đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình.
Trong đó, cổng dịch vụ công của thành phố đã tích hợp 3 dịch vụ công gồm đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn và đăng ký khai tử.
Còn lại 22 dịch vụ công được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của các bộ, ngành; đồng thời được triển khai phần mềm đến các sở, ngành của thành phố để bộ phận một cửa tiếp nhận, giải quyết.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết việc đưa vào vận hành chính thức hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố dự kiến chậm tiến độ triển khai so với kế hoạch.
Theo đó, hệ thống trên dự kiến hoàn thành và vận hành trước ngày 15/12/2022 nhưng đến nay, thành phố vẫn phải thực hiện thủ tục thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Điều này ảnh hướng tới việc triển khai một số nhiệm vụ như số hóa, tích hợp dịch vụ công trực tuyến, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và một số nhiệm vụ khác.
Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị sơ kết một năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Ảnh: Xuân Hải. |
Đồng thời, lãnh đạo Công an Hà Nội nhìn nhận việc thực hiện số hóa tại bộ phận một cửa các sở ngành và UBND cấp huyện đang chậm so với lộ trình đề ra.
"Nguyên nhân là chưa có tính năng số hóa của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố và hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử của Bộ Nội vụ cùng các đơn vị liên quan", Công an Hà Nội báo cáo.
Ngoài ra, quá trình triển khai thực hiện 25 dịch vụ công trực tuyến còn một số khó khăn, vướng mắc như việc đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công chưa thuận tiện, chưa tạo được tài khoản trên cổng đối với người nước ngoài; giao diện trên cổng còn phức tạp, khó hiểu, chưa thân thiện với người dùng...
Ban Chỉ đạo 06 của Hà Nội kiến nghị Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành hướng dẫn về việc triển khai thực hiện việc chuẩn hóa danh mục tài liệu, quy trình và mã số của giấy tờ số hóa… để làm cơ sở các địa phương thực hiện.
Ghi nhận những kết quả Hà Nội đã đạt được, nhưng trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng thành phố cần quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt để tất cả bộ phận không yêu cầu dân phải xác nhận bằng giấy tờ; các ngành phải đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra cụ thể.
Đồng thời, thành phố cần trang bị công cụ và điều kiện tốt để người dân thực hiện dịch vụ công thuận lợi. Mỗi người đến độ tuổi phải có CCCD gắn chip, chữ ký số, tài khoản an sinh. Các công cụ khác thuộc giao dịch lớn khác như cần mã số thuế thì thực hiện qua ứng dụng VNeID.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định đề án 06 là khâu đột phá của chuyển đổi số quốc gia.
Vì vậy, năm 2023, các nhiệm vụ trong thực hiện Đề án 06 đều được Hà Nội phân công, phân hạn cụ thể. Thành phố cũng có phần mềm theo dõi đánh giá tiến độ công việc từng cán bộ công chức.
Ông Thanh yêu cầu các giám đốc sở cần sát sao, cơ sở dữ liệu cần số hóa nhanh hơn nữa để tạo nền tảng thông minh từ đó ra các app, phần mềm.
Cùng ngày, Thủ tướng ban hành công điện yêu cầu các đơn vị quán triệt đến tất cả sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã và bộ phận một cửa các cấp về việc không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.