Phát biểu tại lễ khởi công, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND Hà Nội - cho biết dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối với quốc lộ 21A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô đang được triển khai.
"Dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ nói riêng và Hà Nội nói chung. Đồng thời sẽ tăng cường liên kết, giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) và nước bạn Lào", Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. |
Thông tin về dự án, ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội - cho hay dự án cải tạo quốc lộ 6 với tổng kinh phí trên 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội có thời gian thi công từ năm 2022 đến 2027 (5 năm).
Toàn đoạn nâng cấp, mở rộng có chiều dài 21,7 km, bắt đầu từ nút giao Ba La (Hà Đông) đến thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ). Từ mặt cắt đường hiện có rộng từ 6 đến 10 mét, tuyến đường sẽ được nâng cấp, mở rộng đến 60 mét, tương đương 4-6 làn xe.
Tuyến đường quốc lộ 6 có vận tốc thiết kế 80 km/h. Toàn tuyến có 4 nút giao, gồm nút giao Ba La (giao với quốc lộ 21B); nút giao với Vành đai 4; nút giao với đường trục Bắc - Nam; Nút giao với quốc lộ 21A. Trong đó, nút giao Ba La được thiết kế đi bằng, điều khiển bằng đèn tín hiệu và vạch sơn dẫn hướng.
Để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng khi áp lực công tác GPMB cực lớn, Chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai ngay các nhiệm vụ.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng quy định; tuân thủ chặt chẽ trình tự, quy trình, quy phạm kỹ thuật và đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Sở GTVT, Sở Xây dựng, Công an phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức giao thông để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong quá trình thi công công trình; Hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án; Quản lý chặt chẽ chất lượng công trình theo đúng quy định.
UBND quận Hà Đông, UBND huyện Chương Mỹ phối hợp, tổ chức triển khai ngay các công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư,… đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực thi công, tuyên truyền tích cực để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân xung quanh khu vực dự án.
"Các nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát: xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đảm bảo thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư; tổ chức thi công, giám sát xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, phấn đấu vượt tiến độ và tuyệt đối an toàn trong lao động", ông Thanh yêu cầu.
Đề cập đến khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB), đơn vị chủ đầu tư cho biết, tồn động còn khá lớn và chủ yếu trên địa bàn quận Hà Đông. Trong 8.100 tỷ đồng đầu tư cho dự án thì có đến gần 6.000 tỷ đồng dành cho GPMB.
Trước đó, tuyến quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai đã xuống cấp và mãn tải do lưu lượng phương tiện quá đông, trong đó xe tải trọng lớn, xe khách chạy rầm rập ngày đêm gây mất ATGT cho dân cư. Việc tuyến đường được nâng cấp, cải tạo, mở rộng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.