Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù làm 3 tuyến đường sắt đô thị

Ba tuyến đường sắt đô thị Hà Nội kiến nghị Thủ tướng áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng có tổng mức đầu tư hơn 125.000 tỷ đồng

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản gửi Thủ tướng về xem xét cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị ưu tiên đầu tư giai đoạn đến 2025.

Từ nhu cầu phát triển giao thông công cộng, Chủ tịch Hà Nội cho rằng việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), số 5 (Văn Cao - Hoà Lạc), số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai) là vô cùng cần thiết.

Theo tờ trình, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) có chiều dài gần 6 km. Đoạn đường sắt này được thiết kế đi ngầm với 6 ga ngầm với tổng mức đầu tư hơn 25.700 tỷ đồng, khai thác vào năm 2025.

Duong sat do thi Ha Noi anh 1
Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông) sắp đưa vào khai thác. Ảnh: Quỳnh Trang.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 8,7 km với 7 ga ngầm tổng mức đầu tư hơn 38.600 tỷ đồng, dự kiến khai thác vào năm 2026. Tuyến thứ 3 là đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4 km, tổng kinh phí hơn 66.800 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025.

TP Hà Nội có thể huy động được khoảng 135.000 tỷ đồng trong 8 năm từ 2018 đến 2025 để thực hiện. Số tiền này đủ để cân đối xây dựng 3 tuyến đường sắt trên.

Trong trường hợp các nguồn lực nói trên chưa huy động đủ hoặc không kịp thời, Hà Nội sẽ phát hành trái phiếu bổ sung với tổng giá trị 20.000 - 25.000 tỷ đồng.

Duong sat do thi Ha Noi anh 2
Tổng mức đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù xây dựng. Đồ họa: Văn Chương.

Ngoài ra, thành phố mong muốn được để lại các khoản vượt thu hàng năm, số thu từ cổ phần hoá từ trước năm 2017 để đầu tư các dự án.

Do 3 dự án đường sắt đô thị đều có quy mô vốn lớn, nên UBND Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Hội đồng Thẩm định Nhà nước ưu tiên tổ chức thẩm định sớm để có thể báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 6/2018.

Hà Nội cam kết chuẩn bị đầy đủ hồ sơ dự án, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư 3 dự án theo đúng quy định.

UBND Hà Nội đưa ra 3 phương án đầu tư:

- Phương án 1 đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT nhưng có kết hợp đầu tư trả một phần bằng ngân sách thành phố và kết hợp nguồn đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trả một phần quỹ đất đối ứng.

- Phương án 2, đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT, thanh toán bằng toàn bộ đất đối ứng nhưng nhà đầu tư thực hiện ứng vốn để thực hiện các dự án BT.

- Phương án 3, đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách đầu tư công của thành phố và hình thức áp dụng theo mô hình đối tác thực hiện dự án PDP. Phương án này học tập theo mô hình của Malaysia, nhà thầu được chủ đầu tư chỉ định thực hiện dự án.

Theo đó, nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm toàn diện từ thiết kế đến hoàn thành khai thác. Chủ đầu tư sẽ trả một khoản kinh phí dự trên kết quả khai thác hoạt động.

Tàu kỹ thuật tuyến Cát Linh - Hà Đông chạy thử ở bãi tập kết Khu depot Hà Đông vừa là trung tâm điều hành vận tải vừa là nơi cất giữ, bảo dưỡng, vệ sinh các toa tàu của tuyến đường sắt trên cao, đang trong quá trình hoàn thiện.



Văn Chương

Bạn có thể quan tâm