Ngày 18/9, Hà Nội ghi nhận 1 ca nhiễm SARS-CoV-2 cộng đồng cùng 5 người cùng gia đình ở quận Long Biên có kết quả dương tính. Trước đó, TP liên tục có 3 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng nào. Cũng trong 3 ngày liên tiếp (15-17/9) Hà Nội chỉ ghi nhận trung bình 14 ca nhiễm/ngày, đây là con số thấp nhất trong 2 tháng qua, từ khi thủ đô bước vào giai đoạn giãn cách xã hội.
Xe cộ bắt đầu tấp nập trở lại sau khi TP dỡ gần 40 chốt kiểm soát trong các quận, huyện vùng xanh. Hàng ăn, uống bắt đầu dọn dẹp, thông báo nhân viên chuẩn bị mở cửa trở lại (kinh doanh mang về). Nhịp sống người dân thủ đô từng bước quay lại một trạng thái bình thường mới.
Việc nới lỏng đã được Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí và giao Ban cán sự Đảng UBND TP lên kế hoạch chi tiết từ trước đó. Song, tiến độ vẫn rất chậm và chưa được cụ thể hóa ở nhiều nội dung.
Thế khó của Hà Nội
Nới lỏng trong giai đoạn hiện nay đồng nghĩa với việc TP chấp nhận sống chung an toàn với virus. Cách tiếp cận này đã được lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế đồng thuận với các địa phương.
Phủ rộng vaccine toàn dân là điều kiện tiên quyết để mở cửa trở lại. Theo TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, với biến chủng Delta, nếu TP muốn sống chung an toàn với dịch bệnh thì phải đặt mục tiêu phủ rộng 80-90% hai mũi vaccine. Và đây cũng là "tỷ lệ vàng" nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến.
"Ổ dịch" tại quận Thanh Xuân khiến kế hoạch trở lại trạng thái bình thường mới của TP bị ảnh hưởng. Ảnh: Việt Linh. |
Tính đến 12h ngày 17/9, Hà Nội tiêm được tổng cộng 5,28 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19 (mũi 1: 4,8 triệu; mũi 2: 422.000) - con số này khiêm tốn so với dân số hơn 8 triệu người, chưa kể lượng lớn lao động ngoại tỉnh cư trú trên địa bàn.
Bà Thu Anh nhìn nhận tỷ lệ phần trăm người dân được tiêm 2 mũi sẽ tỷ lệ thuận với mức độ mở cửa của TP. Với độ phủ vaccine cao, TP mới có cơ sở để tự tin hơn trong chính sách phục hồi, bớt đi nỗi lo dịch bùng phát, F0 chuyển nặng. Chừng nào tỷ lệ tiêm 2 mũi còn thấp như hiện nay (xấp xỉ 5% dân số) thì rất khó để Hà Nội "vội vàng".
Tỷ lệ tiêm chủng thấp, tỷ lệ xét nghiệm cũng chưa đạt yêu cầu. Theo kế hoạch TP đưa ra trước đó, đến ngày 15/9, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, TP phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (2-3 ngày/lần). Khu vực có nguy cơ và các khu vực khác xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần).
Nhưng tính từ ngày 8/9 đến 16/9, toàn thành phố mới lấy được tổng 4,26 triệu mẫu (gần 3 triệu mẫu PCR, gần 1,3 triệu test nhanh), phát hiện 21 ca dương tính. Số lượng mẫu đã lấy mới đạt 50% mục tiêu ban đầu (8 triệu mẫu). Trong khi đó, còn rất nhiều mẫu RT-PCR gộp chưa có kết quả.
Khi 2 điều kiện trên chưa đảm bảo và ca nhiễm cộng đồng vẫn được phát hiện trong tuần qua, việc Hà Nội e ngại việc nới lỏng mạnh tay là điều dễ hiểu. Chưa kể, tình trạng người dân tập trung đông tại những nơi nguy cơ cao như khu vực tiêm chủng, khu vực xét nghiệm cũng gây ra không ít lo lắng.
Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn hoành hành ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM. Và thực tế chứng minh ngay trong lúc giãn cách, nguồn lây nhiễm từ TP.HCM vẫn chưa triệt tiêu được từ nhóm xe tải đường dài, xe luồng xanh.
Suốt 2 tháng giãn cách, nhiều lần kế hoạch kiểm soát dịch của Hà Nội bị đe dọa bởi những ổ dịch nhỏ lẻ xuất hiện rải rác (đến nay vẫn còn 7 ổ dịch) khiến việc đi đến trạng thái bình thường mới trở nên khó khăn.
"Thận trọng" nhưng cần tránh cứng nhắc
"Phải thận trọng", "phải từng bước", "phải được Ban Thường vụ nghiên cứu kỹ"... là những thông điệp được một lãnh đạo Hà Nội liên tục nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Zing hôm 16/9 (sau khi Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất việc nới lỏng).
Theo đại diện UBND TP, "đã chia vùng xanh thì vùng xanh phải được nới lỏng để người dân được đi làm, doanh nghiệp phục hồi sản xuất". Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc điểm dân cư, xã hội của từng khu vực, TP sẽ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, có thể là vào ngày 20/9.
Việc nới lỏng cũng chỉ bắt đầu với số lượng giới hạn dịch vụ thiết yếu có tính chất "sát sườn" với người dân trước, như dịch vụ văn phòng phẩm, đồ điện tử (phục vụ cho học sinh đi học trở lại), dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, dịch vụ ăn uống mang về.
Một cửa hàng bán đồ ăn mang về tại quận Long Biên rục rịch mở cửa hôm 16/9. Ảnh: Việt Linh. |
Tối 16/9, Ban Thường vụ Thành ủy phát thông cáo về chủ trương nới lỏng nhưng "phải thận trọng" trong thời gian tới. Theo đó, Ban Thường vụ nhất trí sau ngày 21/6, UBND Hà Nội sẽ tiếp tục có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho từng địa phương về hoạt động, dịch vụ được cho phép hoạt động trở lại cũng như cách thức hoạt động của vùng xanh.
Tuy nhiên, với những chỉ đạo mới mang tính chất định hướng, rất khó để người dân, doanh nghiệp hay thậm chí chính quyền địa phương áp dụng.
Trao đổi với Zing, một lãnh đạo quận Tây Hồ (một trong 19 địa phương vùng xanh của Hà Nội) cho biết quận chờ văn bản hướng dẫn chỉ đạo chi tiết từ TP khi một số hàng quán được mở cửa. Vị này nói cần được hướng dẫn để quản lý việc đi lại của người dân vùng xanh và nếu phải tiếp tục siết chặt thì cần giải thích cho người dân thế nào.
Câu hỏi đi lại thế nào sau ngày 16/9 cũng là chủ đề được người dân quan tâm song lại chưa nhận được thông tin chính thống từ chính quyền thủ đô. Ngay trong văn bản của UBND Hà Nội về quyết định nới lỏng hôm 15/9, TP thông tin hàng quán được mở lại nhưng không đề cập đến việc người dân có được phép đi mua hay không.
Đồ họa: Hà My. |
Người dân tiếp tục băn khoăn với các câu hỏi TP có duy trì kiểm tra giấy đi đường ở vùng xanh và vàng nữa không, các chốt trực hoạt động thế nào tại khu vực được nới lỏng.
Một chuyên gia cho rằng bên cạnh việc chuẩn bị kỹ, lên phương án cho từng tình huống, kịch bản dịch bệnh thì điều quan trọng là công tác truyền thông cần giúp người dân hiểu và nắm rõ ý định của TP.
Thận trọng là yếu tố phải được đặt lên hàng đầu, song, khi nới lỏng cũng cần mang tính thực chất. Nếu TP phân vùng xanh thì cần tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp được hoạt động đúng với tính chất "bình thường mới", giúp họ hồi phục sau 2 tháng đình trệ.
"Người dân đóng vai trò trung tâm trong công tác chống dịch và cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Họ cần biết TP đã làm gì, đang làm gì và tiếp theo như thế nào. Thông tin chi tiết, kịp thời không chỉ giúp họ hiểu mà còn tạo sự đồng thuận, đồng hành cùng TP", vị này nhấn mạnh.
Việc một số địa phương thận trọng quá mức dẫn đến cứng nhắc trong việc mở cửa, nới lỏng khi tình hình an toàn cũng được lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề cập trong nhiều cuộc họp, làm việc.
Người dân tại quận Hoàn Kiếm xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 hồi cuối tháng 7. Ảnh: Đức Anh. |
Trong buổi làm việc với tỉnh với Tiền Giang ngày 17/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại tinh thần chung sống với dịch bệnh an toàn bằng thuốc và vaccine. Với những khu vực đã an toàn, Phó thủ tướng đề nghị cần thích nghi nhanh, sớm tận dụng tình hình an toàn để mở cửa, tránh lãng phí nguồn lực.
Trước đó, khi gặp gỡ các nhà khoa học, chuyên gia y tế hồi đầu tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp "thích nghi an toàn với dịch bệnh, chuyển đổi chiến lược chứ không phong tỏa mãi".
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng các biện pháp tăng cường giãn cách tại một số địa phương đang gây nhiều khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần đối với nhân dân. Ông nhấn mạnh phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp, giảm tỷ lệ tử vong bằng vaccine và thuốc.
“Chúng ta không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Việc ứng dụng khoa học y khoa trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công để chiến thắng dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận