Chiều 16/9, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì buổi làm việc trực tuyến của Sở chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 TP.
Báo cáo tại đây, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết TP đã tập trung xét nghiệm thần tốc, kịp thời phát hiện F0. Ca mắc mới chủ yếu ở khu cách ly, số lượng ca mắc trong cộng đồng ít; công tác truy vết được tổ chức kỹ không để sót, lọt các trường hợp liên quan.
Đề xuất duy trì việc cấp giấy đi đường
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương “vùng xanh” kiểm soát chặt hoạt động của các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch.
Đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết trong ngày 16/9, lực lượng đã xử lý 168 vi phạm phòng, chống dịch. Công an duy trì 12 tổ cơ động để rà soát, kiểm tra.
Đại diện Công an Hà Nội đề nghị TP cho phép tiếp tục triển khai cấp giấy đi đường và duy trì các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND Hà Nội cần sớm hướng dẫn, xác định rõ từng vùng để lực lượng có cơ chế kiểm soát di chuyển.
Một chiến sĩ cảnh sát kiểm tra giấy tờ của người dân tại chốt kiểm soát của Hà Nội. Ảnh: Hải Nam. |
Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, có trách nhiệm của các đơn vị trong phòng, chống dịch.
“Về cơ bản, các địa bàn đã phủ hết mũi 1 vaccine phòng Covid-19, đề nghị các địa phương rà soát đối tượng đã tiêm mũi 1 để trên cơ sở này tổ chức tiêm mũi 2 cho nhân dân”, ông Quyền giao nhiệm vụ.
Riêng với công tác cấp giấy đi đường, TP đề nghị Công an Hà Nội phối hợp với Bộ Công an để tổ chức quản lý theo địa bàn dân cư.
“Thành phố tập trung quản lý chặt các điểm phong tỏa ở phạm vi nhỏ nhất, làm sao hạn chế tác động đến sinh hoạt người dân”, ông Quyền nhấn mạnh.
Hà Nội sẽ ra văn bản chi tiết về việc nới lỏng
Theo lãnh đạo UBND Hà Nội, TP tích cực tiếp thu phản ánh từ cơ sở để có hướng dẫn chi tiết hơn tron việc thực hiện nới lỏng trong giai đoạn tới.
“Thường trực Thành ủy có chỉ đạo điều chỉnh các biện pháp theo hướng sẽ không triển khai 3 vùng như hiện nay. Việc phong tỏa phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Y tế. TP sẽ không phong tỏa quy mô lớn, chỉ thực hiện quy mô hẹp nhất ở các điểm phong tỏa để kiện để kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng vẫn tạo điều kiện tối đa đảm bảo hoạt động phục hồi kinh doanh, đời sống nhân dân”, ông Quyền nói.
Phó chủ tịch TP cho biết phương án cụ thể về việc nới lỏng sẽ được UBND Hà Nội công bố vào ngày 20/9.
Liên quan vướng mắc mà Công an TP phản ánh, ông Quyền cho biết Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất tiếp tục cấp giấy đi đường cho người dân. Công an TP phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để hoàn thiện dữ liệu dân cư, phần mềm quản lý công dân để kiểm soát hiệu quả hơn nữa.
“Với 67 chốt kiểm soát ra vào TP, mục tiêu đặt ra và vẫn phải quản lý chặt vì nếu chúng ta nới lỏng, nghĩa là không thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Mà không quản lý chặt các cửa ngõ thì dịch bệnh rất dễ xâm nhập. Đề nghị Công an TP nhanh chóng có phương án cụ thể về việc triển khai sắp tới, báo cáo lãnh đạo TP xem xét”, Phó chủ tịch UBND TP giao.
Theo văn bản số 3084 ngày 15/9 của UBND Hà Nội điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, từ 12h ngày 16/9, các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 6/9 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 3/9 của Chủ tịch UBND TP) được mở lại một số hoạt động.
Các hoạt động được cho phép gồm: Văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
19 quận, huyện, thị xã đáp ứng điều kiện gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ.