Tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 24/12, các sở, ban ngành của thành phố đã thông tin về tình hình chuẩn bị, cung ứng hàng hóa dịp Tết Âm lịch cho người dân thủ đô. Trong đó, lãnh đạo các sở nhận nhiều câu hỏi về đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thịt lợn cho dịp Tết.
Nguồn cung đảm bảo
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết Sở đã xác định lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tính cho 2 tháng Tết gồm khoảng trên 191.000 tấn gạo; 44.600 tấn thịt lợn; 14.800 tấn thịt gà; trên 12.300 tấn thịt bò; hơn 247.000 tấn rau, củ; 11.300 tấn hải sản; 3.000 tấn bánh mứt kẹo và khoảng 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát.
Cũng theo bà Lan, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong 2 tháng Tết khoảng 44.600 tấn hơi/2 tháng (tương đương 23.000 tấn/tháng). Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn phục vụ Tết trên địa bàn nói chung và các tỉnh, thành phố có chăn nuôi lợn giảm mạnh.
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, từ ngày 1 đến 16/12, sản lượng lợn hơi xuất chuồng là 11.125 tấn, dự kiến cả tháng là 22.250 tấn và cơ bản đáp ứng nhu cầu của tháng Tết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực rà soát quận, huyện bảo đảm đủ thời gian sau 30 ngày không mắc dịch bệnh để cho tái đàn trở lại với tổng cộng khoảng 300.000 con, đáp ứng một nửa số phải tiêu hủy trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
“Nguồn cung mặt hàng thịt lợn cho đến thời điểm hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tại một số hệ thống siêu thị lớn và chợ trên địa bàn, thịt lợn bán ra từ đầu tháng 12 tiêu thụ chậm, lượng bán giảm 5-20% so với tháng 11. Người dân nên chủ động sử dụng thực phẩm thay thế khác như thịt gia cầm, thủy sản…”, đại diện Sở Công Thương nêu.
Ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng khi giá thịt lợn tăng lên cao, người tiêu dùng sẽ tự động thay thế bằng các mặt hàng khác.
"Người mua điều chỉnh nhu cầu sử dụng, đây là phản ứng của người tiêu dùng rất có lợi đến công tác bình ổn", ông Tường cho hay.
Theo ông Tường, Tết năm nay người tiêu dùng vẫn được đáp ứng đầy đủ nhu cầu thịt lợn và sẽ hoàn toàn không có việc khan hiếm. Ông cho rằng người dân Hà Nội sẽ không phải lâm vào tình trạng khan hiếm gia cầm nghiêm trọng như năm 2013.
Người dân không mặn mà với thịt lợn nhập khẩu, đông lạnh. Ảnh: Business Insider. |
"Như hồi 2013, Hà Nội có dịch cúm gia cầm, mọi người không được ăn gia cầm, sau 1 tháng không được ăn thịt gà chúng ta thèm lắm. Nhưng bây giờ thì không như vậy, chúng ta vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng", đại diện Sở Nông nghiệp nói.
Doanh nghiệp không mặn mà nhập khẩu
Trả lời câu hỏi báo chí về việc thành phố có cân nhắc nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài để bình ổn giá trong nước, đại diện Sở Công Thương cho rằng việc này rất cầm chừng bởi hiệu quả kinh tế không cao.
"Hà Nội hiện chưa cần tính đến phương án nhập khẩu. Người dân không mặn mà với thịt lợn nhập khẩu, thịt đông lạnh. Ngoài ra, thịt ngon gần như không nhập được về Việt Nam, chỉ có các phần thịt các nước không dùng đến như vai, xương, chân giò người ta mới xuất khẩu", bà Lan cho hay.
Ngoài ra, giá nhập khẩu thịt lợn trước đây chỉ có 2 USD, nhưng giờ đã lên 4-4,3 USD/kg, tương đương 150.000-160.000 đồng/kg khi về đến Việt Nam. Vì vậy, giá trị kinh tế không cao, đưa ra thị trường cho người dân cũng không mặn mà.
Theo bà Lan, thậm chí một số doanh nghiệp giết mổ vẫn còn đang có lượng thịt lợn cấp đông lớn được dự trữ đề phòng nguồn cung không đảm bảo từ khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, việc tiêu thụ loại thịt này cũng rất chậm. Người tiêu dùng chỉ quan tâm đến thịt tươi.
"Vấn đề nguồn cung thịt lợn cơ bản là đáp ứng được, vì vậy các đồng chí yên tâm", Phó giám đốc Sở Công Thương nói.