Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tương Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương báo cáo Thủ tướng về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo.
Phó thủ tướng phê bình và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao.
Theo ông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.
Giá thịt lợn đạt đỉnh đã khiến nhiều hàng quán phải tăng giá để tránh lỗ. Ảnh: Thanh Thương. |
Trước đó, Phó thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công Thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019.
Đồng thời, có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).
Đánh giá về tình hình này, Bộ Công Thương nhận định thịt lợn có xu hướng tăng giá từ giữa năm và đặc biệt tăng mạnh từ cuối tháng 10 đến nay. Mức giá tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với hồi đầu năm.
Theo Bộ Công Thương, tình trạng giá cả leo thang thời gian qua chủ yếu đến từ ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, nhiều cơ sở chăn nuôi vẫn chưa thể tái đàn, chủ yếu vì chưa có vaccine chống dịch, thậm chí một số nơi tái đàn rồi lại bị nhiễm bệnh trở lại.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp một bộ phận người chăn nuôi và sản xuất giữ hàng chưa bán, chờ giá tăng cao hơn khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tổng lượng thịt các loại trong năm 2019 ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng thịt lợn, là thực phẩm chiếm tỷ trọng 70% trong cơ cấu tiêu dùng, giảm đến 380.000 tấn sản lượng, tương đương 9-10% so với năm 2018.