Tại phiên làm việc trực tuyến của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 26/2, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng giao các đơn vị chuẩn bị sẵn các điều kiện an toàn, khử khuẩn, vệ sinh tại các trường lớp trên toàn TP để chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại.
Theo ông Dũng, UBND TP đã nhận được đề xuất, kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng như của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về việc cho học sinh các cấp từ mầm non đến phổ thông, trung cấp, trường nghề đi học trở lại.
Chưa quyết định
Phó chủ tịch Hà Nội cho hay việc ấn định thời gian cụ thể cho học sinh đi học trở lại phải chờ chỉ đạo từ Thường trực Thành ủy, cũng như ý kiến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
"Chúng tôi đã có tờ trình, văn bản báo cáo với Thường trực Thành ủy, đang xin ý kiến về thời gian cụ thể học sinh quay trở lại trường học", ông Chủ Xuân Dũng nói và cho biết TP sẽ chốt thời gian khi có chỉ đạo.
Phó chủ tịch Hà Nội cũng cho biết có thể TP không quyết định cho học sinh đồng loạt quay trở lại trường. Học sinh từ mầm non đến THPT có thể đi học trước, học viên khối trường nghề và cao đẳng sau.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu ngành giáo dục đảm bảo mọi điều kiện an toàn khi học sinh quay lại trường. Ảnh: T.T. |
Ông Dũng giao Sở LĐTB&XH cập nhật các giải pháp mới về khai báo y tế sử dụng mã QR và nhấn mạnh việc nắm rõ lịch trình di chuyển của học sinh, sinh viên về Hà Nội học tập để sẵn sàng truy vết khi có yếu tố dịch tễ. Các phòng giáo dục có kế hoạch phân luồng, tổ chức cho học sinh quay trở lại trường đảm bảo an toàn, đúng quy định phòng dịch.
Phòng giáo dục tại các địa phương rà soát việc chuẩn bị điều kiện an toàn, vệ sinh, khử khuẩn tại trường lớp, các trang thiết bị như máy đo thân nhiệt, khẩu trang. Cơ sở giáo dục phải có kịch bản phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Ông Dũng cũng thông tin lãnh đạo TP đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề xuất học sinh, sinh viên đến trường theo từng thời điểm chứ không phải cùng lúc.
"Ưu tiên cấp học mà học sinh chủ yếu trên địa bàn TP như mầm non, tiểu học, sau đó mới đến học sinh trường nghề, sinh viên đại học, cao đẳng", ông Dũng nói.
Hà Nội có 11 ngày không ghi nhận ca mắc mới
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết Hà Nội đã có 11 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, số trường hợp dương tính trước đó đang được điều trị vẫn là 35 ca.
Sở Y tế và CDC Hà Nội cũng hoàn thành việc xét nghiệm mở rộng người về từ Hải Dương và các vùng dịch, không phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Số điểm phong tỏa chỉ còn lại 2 và sẽ kết thúc hết vào ngày 28/2.
Lãnh đạo Sở Y tế nhận định tình hình dịch cơ bản được kiểm soát tại Hà Nội, tuy nhiên nguy cơ vẫn tiềm ẩn. Sở Y tế, CDC Hà Nội tiếp tục xét nghiệm sàng lọc, ngẫu nhiên cho người làm việc tại các khu công nghiệp, nơi có nhiều người nước ngoài sống và làm việc. Các bệnh viện tổ chức xét nghiệm cho nhân viên y tế tại phòng, khoa có nguy cơ cao.
Ông Hạnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tăng cường vệ sinh, khử khuẩn, phòng dịch, chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại. Quận, huyện thực hiện nghiêm quy định về cách ly tập trung, cách ly tại nhà, giám sát y tế.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội quyết định cho học sinh các cấp trên địa bàn nghỉ học tại trường, chuyển sang học trực tuyến đến hết tháng 2. Quyết định được đưa ra sau khi TP liên tiếp ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng và diễn biến dịch ở các tỉnh lân cận phức tạp.
Trong buổi làm việc trực tuyến của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 22/2, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố, đề nghị các sở, ngành lên kế hoạch giảm, nới lỏng các quy định giãn cách.
Bình luận