Tại các cuộc làm việc của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, lãnh đạo TP và Sở Y tế dành nhiều thời gian thảo luận, bàn giải pháp tăng cường hiệu quả 10.000 tổ Covid cộng đồng trên địa bàn 30 quận, huyện và thị xã.
Trao đổi với Zing, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho rằng vai trò của 10.000 tổ này rất quan trọng trong giai đoạn dịch hiện nay. Tuy nhiên, bởi một số lý do, các quận, huyện chưa phát huy hết được hiệu quả của lực lượng.
Mỗi tổ phụ trách 60-70 hộ gia đình
- Lãnh đạo UBND Hà Nội liên tục yêu cầu tăng cường hoạt động 10.000 tổ Covid cộng đồng trong giai đoạn dịch căng thẳng hiện nay. Vậy nhiệm vụ chính của các tổ này là gì, thưa ông?
- Đây là lực lượng xuất thân từ các tổ diệt bọ gậy trong phòng chống sốt xuất huyết. Lực lượng này được thành lập tại các tổ dân cư, cụm dân cư, ngõ xóm. Thành viên của mỗi tổ chủ yếu là người của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, mặt trận tổ quốc, hội cựu chiến binh...
Mỗi tổ phụ trách giám sát, theo dõi tình hình sức khỏe, y tế, dịch tễ của 60-70 hộ gia đình (khoảng hơn 200 người). Họ cũng giám sát cả các biến động về dân cư, lịch trình di chuyển trong giai đoạn dịch bệnh.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội. Ảnh: Lao động thủ đô. |
Bên cạnh đó, tổ này có trách nhiệm tuyên truyền đến từng nhà dân, ngõ xóm các quy trình, quy định phòng chống dịch, các chỉ đạo mới của TP, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia.
Nếu tại địa bàn phụ trách có yếu tố dịch tễ thì họ có trách nhiệm rà soát lịch trình, lịch sử tiếp xúc, vận động, hướng dẫn người dân đến các điểm lấy mẫu và hỗ trợ cho nhân viên y tế trong lúc lấy mẫu.
- TP vừa quyết định sẽ rà soát, cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người về từ Hải Dương. Với công việc này, vai trò của các tổ Covid cộng đồng sẽ được phát huy thế nào?
- Đây là lúc vai trò 10.000 tổ Covid-19 cộng đồng vô cùng quan trọng. Trước mắt, họ là lực lượng đầu tiên làm nhiệm vụ rà soát toàn bộ người về từ Hải Dương và các tỉnh có dịch trong khoảng thời gian 14 ngày qua.
Việc này bao gồm cả giám sát, điều tra, thu thập thông tin, lập danh sách chi tiết để chuyển cho cơ quan y tế bao gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại và lịch sử di chuyển trong những ngày qua.
Từ những thông tin này, cơ quan y tế thành phố và CDC sẽ phân loại thành các nhóm: Nhóm cần lấy mẫu, nhóm phải theo dõi sức khỏe, nhóm cần có sự hỗ trợ, tư vấn và nhóm cần cách ly ngay. Như vậy, các tổ này phải hoạt động với cường độ cao, liên tục mới đảm bảo việc rà soát, lập danh sách được kịp thời, đúng tiến độ, hạn chế thấp nhất các rủi ro.
Còn bị động, thiếu hiệu quả
- Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng ở một số quận, huyện, các tổ làm việc chưa hiệu quả; có sự chồng chéo chức năng với các đơn vị y tế, tổ phản ứng nhanh. Vậy đâu là nguyên nhân?
- Qua kiểm tra hoạt động của các tổ này, Sở Y tế nhận thấy một số nơi còn bị động.
Đây là lực lượng khi kích hoạt phải hoạt động thường xuyên, nhưng ở một số nơi, các tổ này chỉ hoạt động khi phát hiện có bệnh nhân mắc Covid-19 trong cộng đồng. Như vậy, nhiều nơi không đáp ứng được yêu cầu giám sát thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát không quyết liệt. Thành viên của các tổ phải vào từng nhà, nắm chắc thông tin từng nhân khẩu địa bàn mình quản lý, có danh sách cụ thể. Các thành viên cũng phải thường xuyên đến hỏi han, kiểm tra tình trạng sức khỏe và tích cực truyền thông về công tác chống dịch.
Tuy nhiên, một số tổ mới thực hiện giám sát, tuyên truyền qua điện thoại. Bên cạnh đó, cung cách hoạt động còn cứng nhắc, không linh động về thời gian, khiến việc rà soát chưa triệt để.
Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ người về từ Hải Dương để xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa: Quốc Nam. |
- Vậy ngành y tế TP và CDC cần làm gì để khắc phục những vấn đề này?
- Trước mắt chúng tôi vẫn đẩy mạnh việc kiểm tra hoạt động phòng chống dịch ở cấp quận, huyện. TP giao quyền cho Ban chỉ đạo các quận, huyện và Trung tâm y tế cấp địa phương về đẩy mạnh hoạt động của 10.000 tổ này. Các tổ phải làm việc nghiêm túc, quyết liệt, nắm chắc từng địa bàn, từng hộ dân.
TP cũng yêu cầu việc rà soát phải trên cơ sở thông tin cụ thể. Đối với người về từ 12 tỉnh, thành có dịch được Bộ Y tế công bố, các tổ có trách nhiệm lên danh sách, với đầy đủ thông tin cá nhân, để lưu trữ, đề phòng trường hợp có yếu tố dịch tễ trên địa bàn.
Đối với các trường hợp về từ vùng dịch như Hải Dương, hay ổ dịch đã được công bố, các đơn vị phải nắm được thông tin khai báo y tế của người dân. Từ đó chuyển cho đơn vị y tế TP để phân loại, xét nghiệm.
- Các đội Covid-19 của Hà Nội được trang bị những gì và có chế độ hỗ trợ thế nào?
- Nhiệm vụ chính của các tổ là rà soát, kiểm tra và tuyên truyền tại các khu dân cư, nên sẽ được trang bị khẩu trang và nước khử khuẩn. Đối với các nhiệm vụ đột xuất liên quan đến các ca bệnh như hỗ trợ phun khử khuẩn, công tác cách ly, rà soát trường hợp tiếp xúc, thì các tổ sẽ được trang bị đồ bảo hộ đúng quy chuẩn.
Chế độ đối với các tổ Covid cộng đồng sẽ theo quy định hiện hành của thành phố về hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống Covid-19.
Đến chiều 18/2, Hà Nội ghi nhận 35 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Địa bàn có số lượng ca mắc lớn nhất là Nam Từ Liêm với 13 ca sau đó đến Cầu Giấy 6 ca, Đông Anh và Mê Linh cùng có 5 ca.
Tại cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội chiều 17/2, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng giao các đơn vị mở rộng xét nghiệm toàn bộ người từ Hải Dương đến Hà Nội bắt đầu 0h ngày 2/2 đến nay. Người về từ huyện Cẩm Giàng sẽ được xét nghiệm trước, sau đó đến các trường hợp còn lại và các ổ dịch từ 11 tỉnh, thành có nguy cơ cao.